Lịch Sử Ba Vị Tổ Sư Khai Sáng Nghề Thuộc Da Và Làm Hài Hia Giày Dép (Thời Vua Lê Thánh Tôn - 1487).
Ba vị tổ sư khai sáng nghề thuộc da và làm giày dép có danh hiệu là:
- Phạm Qúy Công tự Đức Chính.
- Nguyễn Qúy Công tự Sĩ Bân.
- Phạm Qúy Công tự Thuần Chinh.
Sinh quán các ngài ở tại 4 làng liên kết là : Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc lâm và Nghĩa Hy, thời cổ thuộc Tổng Phan Xá, Phủ Tứ Kỳ, Tỉnh Hải Dương, ngày nay (1984) là xã Hoàng Diệu, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Hưng. Ba vị sư tổ và cụ Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung đồng sinh vào thời đại nhà Lê Trung Hưng, thời lúc bấy giờ vua Lê thịnh trị, đất nước thống nhất, ranh giới quốc độ rất là nghiêm minh.
Các vị tổ sư đều là con trong những gia đình phong lưu qúy tộc, chung học một trường, tâm hòa ý hợp kết tình bằng hữu chí thân, thiên tư rất thông minh lo việc canh nông, dạy dân làm ruộng, công việc cày sâu cuốc bẩm, chân lấm tay bùn, vất vả quanh năm mà phần lớn các gia đình nông dân vẫn túng thiếu.
Trước hoàn cảnh thiếu thốn, khổ cực cuả nhân dân lúc bấy giờ, các ngài rất cảm thương, nên bàn bạc với nhau là chỉ có cách lập được một công nghệ gì để dân chúng nương tựa vào nghề nghiệp làm ra của cải hàng ngày, ngõ hầu mới đem lại no cơm ấm áo. Tâm từ cuả các ngài lo lắng cho dân làm sao để thoát khỏi cảnh cơ hàn, nhưng thời ấy ở trong nước ta chỉ có vài hàng tiểu công nghệ thô sơ.
Các ngài vốn nhìn xa thấy rộng, suy nghĩ bàn tính với nhau là chỉ có cách xuất dương ra nước ngoài mà học các công nghệ tinh xảo mới mong đem lại lợi ích cho mình và cho đồng bào nữa.
Các ngài đang ước nguyện như vậy thì dịp may hiếm có, bổng nhiên mùa hạ năm Đinh Mùi (công nguyên 1487, vua Lê Thánh Tôn trị vì năm thứ 28, 10 năm đầu lấy niên hiệu là Quang Thuận - 18 năm sau đổi niên hiệu là Hồng Đức) có nhóm thổ dân địa phương ở bên Trung Quốc, gần ranh giới, nổi loạn tràn sang biên thuỳ nước ta, phá phách cướp của giết người.
Được tin cấp báo, vua Lê Thánh Tôn liền sai quân binh đi dẹp giặc thổ dân, một mặt lệnh truyền cụ Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung ngoại giao đi sứ sang Trung Quốc để giải thích cho vua nhà Minh bên Tàu biết rõ sự thể, duyên do là người thổ dân bên Trung Quốc đã tràn qua ranh giới, sang Việt nam cướp của, giết người, làm cho dân Việt nam lầm than khổ sở, nên Lê Triều phải cử binh đi đánh đuổi, kẻo nhà Minh hiểu lầm là vua Lê khởi sự binh đao, do đó mà hai nước bất hòa.
Nhân cơ hội này, Ba vị tổ liền làm sớ điệp tâu lên vua xin vua cho các Ngài cùng đi tòng sứ với cụ Nguyễn Thời trung với hậu ý là tìm công nghệ học hỏi và đem về nước để truyền dạy cho dân.
Vua Lê xem sớ xong, liền chấp thuận và sắc ban cho Ba vị đứng đầu việc tòng sứ, vì có rất nhiều người trong các ngành nghề khác sau này, cùng đi tòng sứ với cụ Nguyễn Thời Trung, như các vị tổ sư nghề May, nghề Thêu,v.v..
Phương tiện đi lại khó khăn và đường xá thời cổ lúc bấy giờ chưa mở mang, phái đoàn sứ giả phải đi theo đường Đông Ấp. Cuộc hành trình thật gian nan, trèo non, vượt suối, băng rừng, vượt qua các trở ngại trên đường đi, các ngài đã có chí nguyện nên chẳng nệ gian khổ với nhiều ngày mưa nắng vất vả mới tới được Bắc thành bên Trung Quốc.
Khi tới Bắc Thành (Bắc kinh), ban ngày các ngài dạo quanh các phố phường để ý tìm kiếm các công nghệ của người Trung Quốc, tối đến lại về công quán nghỉ ngơi. Các ngài chú tâm xem xét kỹ lưỡng cân nhắc các ngành nghề, sau cùng Ba ngài đồng tâm nhất trí với nhau là học nghề thuộc da và làm hài hia giày dép của nhà họ Lũ.
Ba ngài lân la tìm cách làm quen với nhà họ Lũ học hỏi và xem việc làm nghề. Nhưng vốn người Trung Quốc thường có bí truyền không muốn dạy hay truyền nghề cho người khác. Ba ngài hiểu ý như vậy, nhưng các ngài là người xã giao rộng và giàu tình cảm nên tới lui nhà họ Lũ dễ dàng để thầm xem cách thức thuộc da và làm hài hia giày dép.
Về đến công quán, các ngài thâu dồn sở kiến cách thuộc da và làm hài hia đã tiếp thu được đem ghi chép lại thành thiên. Các ngài kiên trì tận tụy nghiên cứu, theo dõi, bắt chước và khéo tinh ý thâu lượm được cách thức làm nghề. Các ngài liền thực hành cụ thể và đi mua da sống về thuộc ra các màu sắc, rồi thử làm hài hia, gìay dép kiểu mẩu mổi thứ một vài đôi. Vì có chí nguyện ước mong và bản chất vốn sẵn tinh thông, nên hài hia giày dép các ngài làm thử, kỹ thuật lúc đầu cũng không thua kém gì mấy của nhà họ Lũ.
Khi về đến nước nhà, các ngài liền đem hài hia giày dép ấy dâng lên vua Lê Thánh Tôn. Nhà vua xem xong liền hạ chiếu chỉ ban khen bổ nhiệm Ba ngài vào Bộ Quốc giám.
Vua phong Ba người làm chức thượng y, làm quan ngay Bộ Quốc giám và vua hạ chỉ cho Ba ngài đem nghề thuộc da và làm hài hia, giày dép mà các ngài học được ở nước ngoài đem ra truyền dạy cho dân để mở mang công nghệ nước ta, cũng vừa đúng với nguyện vọng từ lâu và qua nhiều năm tháng kiên trì, các ngài mới toại ý mong ước.
Ba ngài liền đứng lên hiệu triệu, khuyến khích và truyền dạy cho nhân dân công nghệ thuộc da và làm giày dép, hài hia thời bấy giờ, từ phạm vi nhỏ, dần dần lan rộng ra cả nước, đến nay (1984) đã gần 5 thế kỷ.
Khi về trí sĩ, vua Lê Thánh Tôn sắc phong ban cho ba ngài danh hiệu như sau:
- Cụ Tổ Phạm Qúy Công tự Đức Chính, Lê Triều ban phong BẢO HỰU LINH PHÙ, thuộc họ phạm trọng, thôn Văn Lâm.
- Cụ Tổ Nguyễn Qúy Công, tự Sĩ Bân, Lê Triều ban phong TÍCH KHÁNH LINH PHÙ, thuộc họ Nguyễn Duy, thôn Phong Lâm.
- Cụ Tổ Phạm Qúy Công, tự Thuần Chinh, Lê Triều ban phong DIÊN HỰU LINH PHÙ, thuộc họ Phạm Trọng , thôn Văn Lâm.
Đến thời nhà Nguyễn, vua Khải định lại sắc phong các ngài là DỰC BẢO TRUNG HƯNG TÔN THẦN. Sắc phong này hiện nay còn giữ được nguyên vẹn (Bản sao đính kèm).
Công đức ba vị sư tổ khai sang nghề thuộc da và làm giày dép thật là to lớn. Các ngài đã mở ra một nghề thiết thực cho nhu cầu đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nền công nghiệp chung của nước nhà, một nghề đã được truyền thừa tới nay đã hơn năm trăm năm.
Hiện nay đền thờ ba vị sư tổ vẫn còn tại quê hương các ngài là các làng Phong Lam, Văn Lâm, Trúc Lâm và Nghĩa Hy, ngày nay là xã Hoàng Diệu, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương.