18h (giờ GMT) ngày 9/5, người dân trên toàn thế giới sẽ được tận mắt tiếp cận danh sách các chính trị gia, người nổi tiếng và lãnh đạo doanh nghiệp được cho là che giấu của cải nhờ công ty ma.
Hồ sơ Panama sẽ được Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố đêm nay (theo giờ Hà Nội), dưới dạng dữ liệu có thể tìm kiếm được, như Google. Hồ sơ này sẽ công bố tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org, nêu chi tiết mối liên hệ giữa 368.000 cá nhân và 300.000 công ty ở nước ngoài.
"Bạn sẽ thấy các công ty và chủ nhân chính thức của chúng. Đây là những thông tin chưa bao giờ công bố. Chúng tôi cho rằng thông tin về người sở hữu các công ty này nên được minh bạch", Marina Walker Guevara - Phó giám đốc ICIJ cho biết.
Theo ICIJ, công cụ tìm kiếm sẽ cho phép người truy cập gõ tên một cá nhân hay công ty. Từ đó có thể xem mối liên hệ với các cá nhân và công ty khác.
Công cụ tìm kiếm này cũng tổng hợp cả thông tin từ các tài liệu trong cuộc điều tra năm 2013 của ICIJ về cách công dân Anh sử dụng tài khoản ở nước ngoài. Quy mô cuộc điều tra này còn lớn hơn nhiều Hồ sơ Panama.
|
Một phần Hồ sơ Panama sẽ được công bố dưới dạng dữ liệu tìm kiếm. Ảnh: CNN
|
Thông tin về Hồ sơ Panama được công bố vào đầu tháng 4, với sự tham gia của các phóng viên tại 76 quốc gia, dựa trên các tài liệu được đánh cắp từ hãng luật Panama - Mossack Fonseca. Công ty này hiện vẫn cho rằng họ không làm gì trái pháp luật và trong một số trường hợp, các cái tên được đề cập còn không phải khách hàng của họ.
Hồ sơ Panama giúp hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới, nghi giúp người giàu né thuế hoặc rửa tiền, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng, lãnh đạo chính trị và một số tội phạm.
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria đã phải từ chức sau khi tên hai ông xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế. Nhiều người giàu ở Australia, Pháp, Ấn Độ, Mexico, Peru, Tây Ban Nha và các quốc gia khác cũng bị điều tra do nghi ngờ trốn thuế.
Từ tháng 9 năm ngoái, Rigoberto Carvajal - nhà phân tích dữ liệu của ICIJ đã tạo ra một phiên bản của công cụ này để các phóng viên sử dụng nội bộ. Dù vậy, Guevara cho rằng người thường sẽ rất khó hình dung được mối liên hệ giữa các công ty và cá nhân, do ICIJ sẽ không công bố tài liệu thực tế về tài sản từng người hoặc chi tiết các hợp đồng.
"Chúng tôi sẽ không công bố kèm thông tin cá nhân", Guevara nói.
Động thái của ICIJ hoàn toàn khác so với Wikileaks. Wikileaks công bố rất nhiều tài liệu họ có được, kể cả điện ngoại giao cho thấy điệp viên Mỹ theo dõi các lãnh đạo Liên Hợp quốc, hoặc các video cho thấy quân đội Mỹ bắn phóng viên và dân thường Iraq.
"Phần lớn tài liệu sẽ được giữ bí mật, để các phóng viên tiếp tục tìm hiểu. Chúng tôi cho rằng số tài liệu này được gửi đến ICIJ là vì chúng tôi có thể duy trì sự cẩn trọng, chính xác của báo chí", Guevara nói.
Hà Thu (theo CNN/Reuters)