Từ chỗ lác đác vài dự án, khoảng 2-3 năm gần đây, cả chục tuyến cáp treo lần lượt được triển khai, hoạt động ở các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam và được xem là cơ hội kinh doanh mới của không ít doanh nghiệp.
Vừa qua, trong khi Công ty cổ phần Tùng Lâm (chủ nhân của 2 tuyến cáp treo đang hoạt động tại danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh) xin đầu tư xây dựng thêm 2 tuyến mới, thì ở phía Tây danh thắng này, một doanh nghiệp khác cũng xin xây dựng một tuyến cáp treo từ địa phận huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) lên đỉnh thiêng Yên Tử.
Trước đó, giai đoạn một của hệ thống cáp treo Ngọa Vân - Yên Tử vừa đưa vào vận hành cách đây 3 tháng sau một năm rưỡi triển khai. Đây chỉ là một số trong hàng chục dự án cáp treo đang được triển khai trên khắp cả nước.
Nếu như khoảng 6-8 năm trước, Việt Nam mới lác đác có một vài tuyến cáp treo thì khoảng 2-3 năm gần đây lại bùng nổ với hàng chục dự án lớn nhỏ và đua nhau lập các kỷ lục. Từ vùng núi, những khu du lịch tâm linh, khu du lịch sinh thái cho tới miền biển đều có thể trở thành cơ hội để doanh nghiệp đầu tư các dự án cáp treo như Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Sapa (Lào Cai), Phú Quốc (Kiên Giang), Núi Cấm (An Giang), Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt (Lâm Đồng), Hồ Mây (Vũng Tàu)…
Tuy chưa được phê duyệt chính thức nhưng một số dự án khủng cũng đã được đề xuất như hệ thống cáp treo xuyên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hang Sơn Đoòng (Quảng Bình)…
|
Nhiều danh thắng bị bủa vây bởi những dự án cáp treo. Ảnh: Bá Đô
|
Theo một chuyên gia tài chính, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn cũng như quá trình vận hành dự án không quá phức tạp so với những lĩnh vực khác có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian gần đây.
Công ty cổ phần Cáp treo Bà Nà (Mã CK: BNC), một thành viên của Tập đoàn Mặt Trời – Sungroup được xem là cái tên tiêu biểu khi đầu tư loại hình kinh doanh này. Bên cạnh đó, Sungroup còn là chủ đầu tư hệ thống cáp treo Fansipan (Sapa, Lào Cai) mới được đưa vào vận hành và tại Hòn Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang) dự kiến giai đoạn sẽ hoàn thành năm 2017. Cách đây 2 năm, đơn vị này còn đưa ra đề xuất triển khai tuyến cáp treo xuyên Vịnh Hạ Long.
Do mới đưa vào vận hành hoặc đang triển khai nên trong số những dự án do Sungroup triển khai, mới có Cáp treo Bà Nà công bố các số liệu liên quan đến tình hình tài chính. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2007 với hoạt động chính là kinh doanh vận chuyển hành khách bằng hệ thống cáp treo và máng trượt, kinh doanh các loại hình vui chơi giải trí, bất động sản, nhà hàng ăn uống... Đến năm 2009, công ty khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo Bà Nà - Suối Mơ, Đà Nẵng.
Tuy trong báo cáo tài chính mới công bố, công ty không tách biệt doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách bằng hệ thống cáp treo và những mảng dịch vụ khác nhưng số liệu cho thấy trung bình mỗi ngày có 5.000 lượt khách đến Bà Nà Hills. Vào mùa cao điểm và ngày lễ con số này gấp nhiều lần, với khoảng 18.000 – 20.000 lượt khách. Trong năm 2015, lượng khách đến Bà Nà vào khoảng 1,5 triệu người, với giá vé vào dao động từ 450.000-550.000 đồng mỗi lượt (giá trẻ em và người lớn). Từ tháng 4 vừa qua, đơn vị này đã điều chỉnh giá vé thêm 50.000 đồng mỗi lượt.
Kết thúc năm 2015, Cáp treo Bà Nà doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lãi ròng trên doanh thu (ROE) đạt khoảng 13%. Tuy không phải là con số thực sự ấn tượng nhưng theo chuyên gia tài chính, tỷ suất này là khả quan trong bối cảnh dự án đang tiếp tục triển khai nhiều hạng mục và doanh nghiệp vẫn phải đầu tư khá lớn.
Một doanh nghiệp khác cùng ngành đang niêm yết trên thị trường chứng khoán là Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (Mã CK: TCT) năm 2015 có chỉ số ROE đạt xấp xỉ 33%. Năm năm 2015 công ty có doanh thu 176 tỷ đồng và lãi sau thuế 58 tỷ đồng.
Riêng quý I năm nay, lãi của TCT đạt 56 tỷ đồng và hoàn thành tới 90% kế hoạch năm. TCT dự kiến doanh thu và lợi nhuận đến năm 2018 sẽ liên tục tăng trưởng trong đó mức cổ tức đến năm 2018 sẽ đạt 40%. Nhờ đạt được những chỉ số lạc quan nên cổ phiếu của doanh nghiệp này luôn thuộc nhóm hấp dẫn trên thị trường với giá giao dịch trung bình mấy tháng nay luôn trên 50.000 đồng.
Một "đại gia" khác trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần Lạc Hồng với dự án cáp treo tại Tây Thiên, Vĩnh Phúc được vận hành từ năm 2012. Trước đó, đơn vị này được biết đến với vai trò là chủ sở hữu của nhiều dự án bất động sản lớn. Tính riêng năm 2015, công ty đón trên 400.000 lượt khách đi cáp treo, tổng doanh thu đạt hơn 80 tỷ đồng. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2016, cáp treo Tây Thiên đã phục vụ trên 160.000 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Công ty Lạc Hồng từng cho biết, lượng khách trung bình đến Tây Thiên khoảng 50.000 người mỗi tháng nhưng hiện mới có từ 12.000 đến 15.000 khách đi cáp treo. Như vậy cũng có nghĩa là doanh nghiệp còn dư địa rất lớn để khai thác hết tiềm năng từ lượng du khách đến đây mỗi năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính nhận định, sức hấp dẫn của việc đầu tư vào hệ thống cáp treo ở những khu tâm linh cũng như du lịch không chỉ nằm ở khoản thu từ việc vận chuyển hành khách.
“Việc xây dựng hệ thống cáp treo trong một khu du lịch thường đi liền với hệ sinh thái độc quyền với các dịch vụ từ ẩm thực đến vui chơi, giải trí và cao cấp hơn là nghỉ dưỡng... Đặc biệt trong bối cảnh đời sống người dân ngày càng tốt hơn, nhu cầu đi du lịch gia tăng thì đây được coi là một trong những ngành giàu tiềm năng về lâu dài. Dẫn chứng là nhiều nơi, cáp treo vẫn bị quá tải vào những dịp lễ Tết, mùa cao điểm”, vị này nhận định.