Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xây dựng và tính toán kịch bản điều chỉnh giá điện theo lộ trình thị trường.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá về phương án điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm.
Phó thủ tướng cho biết, công tác điều hành giá năm 2016 gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2015 do các yếu tố chi phí có thể đẩy giá cả tăng cao như xăng dầu đang có xu hướng hồi phục, giá dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh. Do đó, điều hành giá phải linh hoạt hơn, cần dự báo các kịch bản để kiểm soát lạm phát trong khoảng 4-5%.
Theo đó, giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ được điều hành như sau:
Về điện, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và tính toán kịch bản về phương án điều chỉnh giá điện theo lộ trình thị trường, trong đó có báo cáo cụ thể về giá thành, giá bán, lỗ lãi, các khoản còn treo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho các tổng công ty điện lực (đơn vị phân phối đến khách hàng mua điện) năm 2016.
Theo đó, giá mua buôn điện của EVN ở 5 tổng công ty là Điện lực miền Bắc, Điện lực miền Trung, Điện lực Miền Nam, Điện lực Hà Nội, Điện lực TP HCM đều tăng trung bình 2-5% lên mức 1.107-1.508 đồng một kWh.
Với phí sử dụng đường bộ BOT, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện việc thu phí BOT; rà soát tính đúng, tính đủ giá thành, chi phí đầu tư của các dự án BOT trên toàn quốc.
Trước mắt chưa tăng phí BOT và giãn thời gian thu phí tối đa đối với các trạm thu phí BOT. Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT. Đồng thời, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35.
Về xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83. Xây dựng các kịch bản điều hành giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới, điều hành giá kết hợp với sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá mặt hàng này để kiềm chế mức tăng giá tác động đến lạm phát.
Đánh giá lại việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở và sớm đề xuất trình Chính phủ phương án thực hiện thuế nhập khẩu trong giá cơ sở thời gian tới.
Về lương thực và các mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ phương án cụ thể về hạn ngạch nhập khẩu đường, phương án tạm trữ muối và theo dõi sát diễn biến thị trường lúa gạo trong nước và thế giới để kịp thời đề xuất phương án điều hành phù hợp.
|
Nhiều mặt hàng thiết yếu cuối năm được theo dõi để linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thị trường
|
Về giá cho thuê đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại giá thuê đất để đảm bảo ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Về thuốc chữa bệnh cho người, Bộ Y tế quản lý chặt chẽ giá thuốc, tiếp tục triển khai thực hiện các quy định mới về đấu thầu thuốc nhằm làm giảm giá mua thuốc của các cơ sở y tế công lập, từ đó giúp giảm chi phí tiền thuốc cho người bệnh.
Về giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế xây dựng phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dự báo các kịch bản của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần thực hiện sớm và chia làm các đợt điều chỉnh để tránh tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng và tâm lý người dân.
Đối với giá dịch vụ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán tác động của việc tăng giá dịch vụ giáo dục đến chỉ số giá tiêu dùng; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều hành giá dịch vụ giáo dục trong năm 2016-2017 theo lộ trình phù hợp.
Bạch Dương |