Việt Nam mất 15.000 tỷ đồng vì hạn hán, xâm ngập mặn lịch sử
Ngày đăng: 31/05/2016 23:30

Thiên tai tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2016 được đánh giá là chưa từng có và đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và nền kinh tế.

Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa có báo cáo tình hình hình hạn hán, xâm nhập mặn và hải sản chết bất thường. Theo đó, ngành nông nghiệp và thuỷ sản chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, nhiễm mặn và tình trạng hải sản chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.

viet-nam-mat-15000-ty-dong-vi-han-han-xam-ngap-man-chua-tung-co-trong-lich-su

Hạn hán, xâm ngập mặn đã khiến WB hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam còn 6,2%. Ảnh: A.X

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, khu vực Nam Trung Bộ đã có gần 23.000ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước. Con số này được dự báo có thể tiếp tục tăng lên 57.100 ha. Các tỉnh có diện tích thiệt hại lớn nhất là Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hoà.

Thiếu nước và hạn hán ảnh hưởng lớn đến diện tích cây công nghiệp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với tổng tổng diện tích lần lượt là 15.823ha và 28.000ha.

Thống kê thiệt hại của Vụ kinh tế Nông nghiệp cho thấy, tính đến hết tháng tháng 5, số hộ thiếu nước sinh hoạt là 288.259. Thiệt hại về lúa lên tới 249.944 ha, hoa màu 18.960 ha, cây ăn quả 30.522 ha, cây công nghiệp 149.704 ha, thủy sản là 6.857 ha… Ước tính hạn hán, xâm ngập mặn đã làm thiệt hại khoảng 15.183 tỷ đồng.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2016 được đánh giá là nghiêm trọng nhất và chưa từng có trong lịch sử. Việc này đã gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới theo đó đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2016 từ 6,5% xuống còn 6,2% trong lần công bố giữa tháng 4 vừa qua do hiện tượng này.

Về tình hình hải sản chết bất thường tại miền Trung, Vụ Kinh tế Nông nghiệp cho rằng việc này đã ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt. Theo đó, sản lượng khai thác trong tháng 5 ước đạt 247.900 tấn, dù vẫn tăng 1,5% so với cùng kỳ, song tốc độ tăng thấp hơn.

Tổng sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng tháng 5 đạt 614.200 tấn, trong đó sản lượng cá và tôm giảm nhẹ. Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt 2,45 triệu tấn.

Bạch Dương   |