Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng việc xây dựng Nghị định về điều kiện kinh doanh cần chú trọng chuyện giảm thiểu, xoá bỏ các điều kiện bởi doanh nghiệp đang chịu khổ với hàng nghìn giấy phép con.
Sáng ngày 3/6, Bộ Tư Pháp đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ ngành về tình hình thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp cho biết, hiện còn tới 86 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng cần ban hành trước 1/7.
Trong đó, có 37 nghị định, quyết định quy định chi tiết 16 luật và 49 nghị định quy định về điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, tính đến 2/6, Bộ Tư pháp mới nhận được 68 văn bản, còn 18 văn bản chưa nhận được hồ sơ để thẩm định trình Chính phủ. Có tới 95% các thủ tục hành chính trong các văn bản gửi thẩm định chưa tuân thủ đúng tinh thần Nghị quyết 59 của Chính phủ, nhiều văn bản có chất lượng thấp.
|
Doanh nghiệp hiện nay đang chịu khổ bởi quá nhiều các quy đinh, giấy phép con.
|
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Lê Mạnh Hà cho biết chỉ còn chưa đầy một tháng nữa các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ chính thức có hiệu lực, phía doanh nghiệp đang chờ đợi. Việc nâng cấp thông tư lên nghị định có nhiều yếu tố phức tạp, nhưng trong quá trình rà soát các bộ ngành nên chú ý tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách giảm thiểu, bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp họ đã rất khổ rồi, điều kiện kinh doanh có quá nhiều. Theo Luật Đầu tư, có 267 ngành nghề, giờ phải xem có bao nhiêu điều kiện, chẳng hạn có tới 1.000 điều kiện thì ngồi lại rà soát xuống còn 800 rồi giảm tiếp còn 200. Những điều kiện nào không cần thiết thì phải bỏ hẳn chứ không để nâng cấp thông tư thành nghị định một cách cơ học. Lúc đó sẽ là hành chính hoá, sợi dây trói doanh nghiệp sẽ càng chặt hơn", ông Hà nói.
Theo đó, hàng nghìn giấy phép con, thủ tục hành chính nặng nề chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu, tiêu cực, dẫn đến những chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chịu quá lớn. Ông Hà nhấn mạnh, trong nghị định có 10 điều kiện thì kiên quyết giảm về một hoặc có thể về 0. Tất cả những việc làm này nhằm phá vỡ mọi rào cản kinh doanh, khẳng định tinh thần đổi mới của Chính phủ.
"Đừng nghĩ rằng đơn giản hoá, ít điều kiện kinh doanh là lỏng lẻo. Thà bỏ sót chứ không trói doanh nghiệp chặt thêm. Bỏ sót, sai câu chữ sau này có thể bù vào được chứ không đưa ra quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Tất nhiên những thứ liên quan đến sức khoẻ, sinh mệnh thì cần chú trọng", ông Hà nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thời gian không còn nhiều trong khi khối lượng rất lớn, công việc sẽ vất vả. Hiện nay còn 11 nghị định chưa hoàn thành nên mong các bộ ngành sẽ phối hợp để kịp tiến độ.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Nội Vụ - Nguyễn Trọng Thừa cho biết, có nhiều luật đã ban hành nhưng vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, các quy định cứ rối tung lên, doanh nghiệp rất khó khăn. Ông cho rằng cứ sai sót còn hơn là đưa ra cả nghìn quy định trói chặt doanh nghiệp.
"Đề nghị mời chuyên gia nước ngoài tư vấn giúp thì chi phí rất cao lên vài chục triệu đồng, trong khi chi phí làm Nghị định chỉ một vài trăm nghìn, thời gian gấp gáp nên chất lượng rất yếu. Hội nhập rồi thì thấy cái gì nước ngoài họ làm hay, làm đúng thì bê về áp dụng luôn chứ sao cứ phải tự mình sáng tạo ra luật làm gì", ông Thừa nói.
Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự Kinh tế - Nguyễn Thanh Tú cho biết các cán bộ tư pháp đang gặp nhiều khó khăn, "làm ngày làm đêm kể cả cuối tuần" mà khối lượng công việc quá lớn.
"Có tới 267 ngành nghề có điều kiện đầu tư, nếu gộp vào sẽ thành siêu nghị định. Khối lượng công việc rất lớn trong khi các cơ quan được giao rà soát, soạn thảo nghị định làm việc kiểu nước đến chân mới nhảy. Nhiều bộ ngành còn cố tình lồng ghép các yếu tố lợi ích vào nghị định gây khó khăn cho quá trình thẩm định", ông Tú nêu.
Trên tinh thần rà soát bãi bỏ các thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết, gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng nhiều bộ ngành ít chú trọng. Ông Tú lấy ví dụ, có những đơn vị còn lấy cả thông tư hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2005 cho vào nghị định trong khi Luật Đầu tư mới năm 2014 đã ra đời từ lâu.
Ngoài ra, tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ, điều kiện đưa ra chung chung, tăng điều kiện kinh doanh vẫn diễn ra. Ông Tú kể, cả Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có thẩm quyền về xây dựng điều kiện kinh doanh ngành khoáng sản. Việc này gây chồng chéo, không thống nhất, khi gửi lên Bộ Tư pháp mỗi đơn vị một điều kiện nên rất khó để kiểm soát.
"Tôi rất quan ngại về chất lượng các nghị định này sẽ ban hành 1/7, nếu không cẩn thận sẽ gây tác hại lớn. Việc sửa đổi nội dung không hề đơn giản. Đến lúc đó, chúng tôi không thể chịu trách nhiệm hết được", ông Tú nêu.
Ông Nguyễn Phước Thọ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ khẳng định phải làm với tốc độ 10 lần hiện nay mới kịp hoàn thiện 37 văn bản trước ngày 1/7. Không có nhiều thời gian, song ông Thọ khẳng định các bộ ngành không "cơ học" bê nguyên thông tư thành nghị định, vì như thế là đi ngược lại tinh thần đổi mới.
"Đã từng có tình trạng sáng mới nhận được 58 văn bản nhưng do yêu cầu nên chiều tăng lên luôn 85. Chưa bao giờ lại có tình trạng nộp văn bản cơ học đến như vậy. Việc này rất nguy hại, đau đầu… Khi thành nghị định rồi rất khó có thể thay đổi, nếu có sửa cũng mất tới 2-3 năm. Vì vậy các bộ ngành cần phối hợp, rà soát thật sự, tránh chồng chéo", ông Thọ phát biểu.
Bộ trưởng Tư pháp - Nguyễn Thành Long khẳng định việc ban hành các siêu nghị định này trước ngày 1/7 là một áp lực rất lớn. Tuy nhiên, việc các cơ quan không rà soát mà bê nguyên từ thông tư sang để làm nghị định là kiểu làm cơ học và rất nguy hiểm.
"Xây dựng nghị định mà làm cơ học thì lại đeo thêm một nấc khổ nữa cho phía doanh nghiệp. Thời gian gấp gáp nhưng quyết không để tình trạng nợ đọng văn bản, cóp nhặt từ thông tư sang, dẫn đến chất lượng thấp. Điều kiện kinh doanh phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp", Bộ trưởng Long nói.
Về tình trạng nhầm lẫn giữa điều kiện đầu tư và tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng nghị định, Bộ Khoa học Công nghệ cần phối hợp với các bộ ngành để hướng dẫn rõ để phân biệt và xây dựng nội dung cho phù hợp.
Bạch Dương |