Xe đạp Thống Nhất còn lại gì sau một thời vàng son
Ngày đăng: 04/06/2016 21:26

Thương hiệu xe đạp gắn bó 55 năm với người Việt đang có những bước chuyển mình để lấy lại vị thế của một thời "vàng son".

Ở giai đoạn những năm 60-70, xe đạp được coi là tài sản, phương tiện đi lại duy nhất của đại đa số người dân. Thời đó, xe đạp Thống Nhất là niềm mơ ước của nhiều người, thậm chí còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước. Thương hiệu đã đi vào lòng người Việt đúng như khẩu hiệu của công ty "Nghĩ đến xe đạp, nghĩ về Thống Nhất".

Trải qua hơn nửa thế kỷ, xe đạp giờ đây không được coi là một tài sản có giá trị, và thương hiệu xe đạp Thống Nhất vẫn còn đó nhưng đã lựa chọn những ngã rẽ mới để tồn tại.

xe-dap-thong-nhat-con-lai-gi-sau-mot-thoi-vang-son

Xe đạp gắn với ký ức thời gian khó. Ảnh tư liệu

Trước những lựa chọn mang tính "sống còn" với thời đại, Thống Nhất đã quyết định cổ phần hoá vì cần một làn gió mới. Trong một tài liệu mới công bố, Thống Nhất thừa nhận dù vẫn có tên tuổi trong làng xe đạp nhưng so với hàng ngoại thì còn khoảng cách lớn. Tình hình kinh doanh của Thống Nhất ngày càng khó khăn do cuộc chiến giành thị phần ngày càng gay gắt.

Sản lượng xe đạp tiêu thụ luôn có chiều hướng tăng, năm 2012 là 95.000 xe, đến năm 2014 tăng 100.000 chiếc, năm 2015 dự kiến là 120.000 xe. Tuy nhiên, doanh thu của công ty lại lao dốc. Năm 2015, doanh thu đạt 200 tỷ đồng, giảm 44,8% so với năm 2014. Nguyên nhân là do Nhà máy VIHA tách ra hoạt động độc lập nên công ty không còn hợp nhất doanh thu từ mảng nội thất xuất khẩu.

Dù cố gắng tập trung các dòng xe mới phù hợp thị hiếu người dùng như xe đạp địa hình, xe đạp thể thao có kiểu dáng hiện đại, nhiều tính năng hơn, song với đặc thù sản xuất xe đạp, chi phí nguyên vật liệu và nhân công quá lớn đã khiến cho lợi nhuận của Thống Nhất sa sút và ở mức rất thấp, năm 2014 giảm xuống 1,5 tỷ, năm 2016 cũng chỉ đạt 1,7 tỷ đồng.

Tổng tài sản cuối năm 2015 khoảng 510 tỷ đồng, trong đó gần một nửa là vay nợ. Thu nhập bình quân của nhân viên chỉ ở mức 4-6 triệu đồng một tháng.

Công ty hiện có một số dây chuyền sản xuất xe đạp như khung phuốc, sơn bột tĩnh điện, tẩy bóng điện hoá, ghi đông, hệ thống máy nén khí sơn nước tĩnh điện… đưa vào sử dụng từ những năm 2003 nhưng đến nay đã bị hao mòn nhiều.

Nói về những khó khăn trong ngành xe đạp, Thống Nhất cho biết, tâm lý sính ngoại của người Việt khiến xe đạp trong nước mất lợi thế cạnh tranh. Một sản phẩm tên tiếng Việt luôn không được quan tâm bằng tiếng nước ngoài. Cùng với đó, hiện tượng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường cũng là một thách thức giữ được uy tín sản phẩm.

Thống Nhất cho biết, trên thị trường Việt Nam, các xe đạp xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới hơn 50% thị phần, với kiểu dáng và màu sắc rất đa dạng. Các thương hiệu xe đạp như Giant, Merida, Wiel, HKBike, Newway,… ồ ạt xuất hiện tại Việt Nam. Ở phân khúc người thu nhập cao có mốt chơi xe với các dòng cao cấp, nhập khẩu nguyên chiếc: Trek, Specialized S, Mecedes Benz, Merida, Momentium... Thương hiệu xe đạp nổi tiếng Peugeot cũng đã chính thức có mặt.

Công ty nhận định, thời gian tới sẽ có thêm nhiều thương hiệu xe đạp nước ngoài nhập vào Việt Nam, thậm chí sẽ có một vài dự án lớn đầu tư xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối khắp các tỉnh thành.

Xe đạp ngoại với ưu điểm mẫu mã đẹp, dòng xe thể thao được ưa chuộng, dù giá bán tới hàng trăm triệu đồng. Các hãng này cũng chiếm lĩnh thị trường bằng việc tung ra nhiều linh phụ kiện thay thế, các thiết bị đi kèm như đèn, đồng hồ đo nhịp tim/tốc độ, găng tay, ứng dụng công nghệ, hộp đồ chuyên dụng...

"Những khó khăn, thách thức đặt ra yêu cầu cần một cơn gió mới và cổ phần hoá nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường khốc liệt", công ty cho biết.

Thống Nhất giờ đây không chỉ là một đế chế chỉ có xe đạp. Do lợi nhuận xe đạp quá thấp, công ty đã mở rộng ngành nghề kinh doanh mới. Cụ thể doanh nghiệp góp 45% vốn vào Công ty TNHH VIHA Thống Nhất chuyên sản xuất đồ nội thất xuất khẩu.

Với lợi thế sở hữu và có hợp đồng thuê gần 30.000m2 "đất vàng" ở Hà Nội, Thống Nhất đang phối hợp với nhiều đối tác thực hiện các dự án bất động sản.

Công ty đang kết hợp với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt thực hiện dự án trên nền đất rộng 17.888m2 tại số 82 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo đó, hai bên đã thành lập Công ty Thống Nhất - Bắc Việt với tỷ lệ góp vốn 30% của Thống Nhất để thực hiện dự án Tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ. Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ xây dựng 2 toà nhà 25 tầng và biệt thự liền kề tại đây. Chung cư được rao bán với mức giá 28 triệu đồng một m2.

Với lô đất vàng 330m2 tại số 10 Tràng Thi, công ty đã được Hà Nội phê duyệt xây dựng toà nhà văn phòng dịch vụ thương mại VIHA. Công ty cũng có toà nhà văn phòng trên phố Tây Sơn cho thuê. Ngoài ra với lô đất 455m2 tại phố Cầu Giấy, Thống Nhất đang chờ quy hoạch của thành phố để thực hiện dự án đầu tư.

Theo phương án cổ phần hoá, Thống Nhất sẽ bán 9,88 triệu cổ phần, tương ứng 41,7% vốn cho nhà đầu tư chiến lược và chào bán đấu giá 3 triệu cổ phần (12,8%) ra công chúng. Sau khi bán ưu đãi cho người lao động 119.000 cổ phần, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước giảm xuống 45%. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 237 tỷ đồng. Sau cổ phần hoá, Thống Nhất vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận khá khiêm tốn với khoảng 4,7 tỷ đồng trong khi doanh thu là 275 tỷ năm 2016.

Dù được biết đến như một thương hiệu "vàng son" của xe đạp, song sức hút của Thống Nhất lại đến từ các lô đất vàng mà công ty sở hữu. Công ty cũng đang sở hữu trụ sở 800m2 ở phố Tràng Thi và 10.000m2 ở huyện Từ Liêm làm nhà máy sản xuất.

Tuy nhiên, hãng vẫn khá tự tin khi cho rằng ôtô, xe máy đang tràn ngập phố phường gây cảnh ùn tắc, ồn ào, ngột ngạt và ô nhiễm môi trường thì chiếc xe đạp, xe đạp điện gọn nhẹ đang trở lại trong đời sống người Việt nhiều thế hệ.

Thống Nhất nhận định nhu cầu sử dụng xe đạp đang tăng cao, triển vọng thị trường lớn chính là điều kiện thuận lợi để công ty lấy lại vị thế của mình. Nhưng các thế hệ xe đạp mới được ưa chuộng phải được cấu tạo bằng các chất liệu siêu bền, siêu nhẹ, có tích hợp ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu đi học, đi làm, đi chơi… của người dùng.

Công ty TNHH MTV Thống Nhất tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất được thành lập từ năm 1960, hiện Tổng giám đốc là ông Nguyễn Hữu Sơn.

Bạch Dương   |