Phó thủ tướng: Phải có sàn chứng khoán dành riêng cho start-up
Ngày đăng: 07/06/2016 22:18

Ông Vương Đinh Huệ mong muốn trong khoảng 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ hoàn tất việc lập sàn chứng khoán riêng biệt dành cho cộng đồng khởi nghiệp, qua đó hỗ trợ những đơn vị này trong huy động vốn.

Tại Hội thảo Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) tổ chức sáng nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, khởi nghiệp ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ. Start-up với những sáng tạo và đột phá về công nghệ hứa hẹn sẽ là nhân tố quan trọng góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh năng suất lao động tăng thấp, các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ tổng cầu đã dần hết dư địa.

Tuy nhiên, ông bày tỏ cảm thông với việc các start-up hiện nay vẫn gặp khó khăn khi huy động vốn từ các ngân hàng do sự e ngại rủi ro từ khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đã và đang phải huy động vốn từ các nguồn như bạn bè, gia đình hay các quỹ đầu tư Chính phủ hoặc tư nhân, song cũng gặp không ít trở ngại.

pho-thu-tuong-phai-co-san-chung-khoan-danh-rieng-cho-start-up

Phó thủ tướng muốn sớm có sàn chứng khoán riêng cho start-up. 

Trước thực tế này, ông Huệ đề cập tới việc lập sàn chứng khoán riêng biệt dành cho start-up trong vòng 2-3 năm tới đây, qua đó giúp các doanh nghiệp dễ dàng trong huy động vốn. "Tuy nhiên, đây là vấn đề cần lộ trình nghiên cứu và thẩm định kỹ về thể chế, cơ chế hoạt động. Tuyệt đối tránh thành lập theo kiểu phong trào, hoạt động không hiệu quả", ông Huệ nhấn mạnh và mong muốn sàn chứng khoán này có thể dễ dàng thu hút các quỹ đầu tư.

Phó thủ tướng cũng nhắc lại mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam ít nhất có một triệu doanh nghiệp. Hiện nay, số đăng ký hoạt động là hơn 900.000 doanh nghiệp nhưng thực tế hoạt động cấp mã số thuế chỉ 528.000 doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp khởi nhiệp sẽ là một trong những hướng đi chứng.

"Chính phủ sẽ luôn đồng hành, coi mình là nhà ươm ban đầu, vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu. Chính phủ thời gian tới cần biết doanh nghiệp cần gì, muốn gì để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp và trở thành hoạt động thực chất, phấn đấu Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, dù chặng đường còn rất dài", ông Huệ nói.

Bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam - Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, sự hỗ trợ từ Chính phủ của các nước dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp rất lớn. Chẳng hạn như ở Mỹ, Tổng thống đương nhiệm là ông Barack Obama ngay sau 10 ngày nhậm chức đã thành lập tới hai quỹ đầu tư mạo hiểm, mỗi quỹ có vốn 30 tỷ USD để hỗ trợ cho start-up.

Và năm 2014 đầu tư mạo hiểm ở nước này thu hút 50 tỷ USD, chiếm 0,23% GDP nhưng đã tạo ra 21% GDP. Năm 2015, Mỹ thu hút 60 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm để tạo vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, từ nguồn vốn này đã tạo ra 23% GDP cho Mỹ.

Còn Hàn Quốc đã đầu tư 2,91 tỷ USD để phát triển start-up thông qua hình thức quỹ của quỹ. Trong khi đó, Chính phủ Singapore đầu tư đối ứng lên tới 3 triệu USD cho mỗi quỹ được thành lập. Còn Tổng thống Ấn Độ vừa công bố khoản đầu tư 4 tỷ USD cho hệ sinh thái Start-up từ tháng 1/2016.

Một hạn chế làm cản trở start-up ở Việt Nam theo bà Thạch Lê Anh đó là quan điểm thất bại trong kinh doanh vẫn còn rất nặng nề, trong khi ở nước ngoài nếu thất bại càng nhanh thì thành công càng đến sớm. "Cần phải nhìn nhận lại vấn đề này, ở đây là sự khác biệt về văn hóa đã tạo ra những tâm lý không tốt", bà nói.

Hiện Việt Nam có 40 quỹ đầu tư có vốn trên dưới 50 triệu USD, con số khiêm tốn cho khởi nghiệp. Do đó, việc gọi vốn khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt rất khó khăn. Tuy nhiên không vì thế mà doanh nghiệp nản. "Vì đã có doanh nghiệp nước ngoài gọi vốn tới 60 lần mới thành công", bà Anh và chia sẻ, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, muốn khởi nghiệp thì không chỉ thiếu vốn mồi mà còn thiếu cả các cố vấn. Ngoài ra, doanh nghiệp start-up cần hiểu rằng doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn để tăng trưởng về giá trị doanh nghiệp, khác với doanh nghiệp phát triển là tăng trưởng về doanh số.

Bà Thạch Lê Anh đề xuất, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Start-up, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đồng thời xây dựng văn hóa đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam. "Tuy nhiên, các quỹ Chính phủ cần lưu ý khi lựa chọn các quỹ để đồng đầu tư, như: Những người quản lý quỹ có bỏ tiền cá nhân đầu tư vào quỹ hay không? Đội ngũ quản lý quỹ đã đầu tư bao nhiêu công ty? Các tổ chức hoặc công ty lớn thành lập quỹ", bà nói.

Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc điều hành, Tập đoàn IDG Đông Nam Á chia sẻ thêm, tại Việt Nam, trên 60% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại, trong đó 70% thất bại ngay năm đầu, còn lại 90% đến năm thứ 2 và thứ 3 gặp khó khăn. Ông Tâm cũng đặt câu hỏi tại sao người Isreal khởi nghiệp thành công nhiều? Và sau đó tự đưa câu trả lời là vì họ rất cần cù, nếu có ý tưởng thì tức khắc họ nghiên cứu và làm ngay.

Chính phủ Isreal vận hành một quỹ đầu tư Bird, trong 9 năm qua thì cuối năm 2015 đã hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và có những dự án hỗ trợ trực tiếp và không hoàn lại, chẳng hạn như các dự án về công nghệ thông tin. Họ có một hội đồng khoa học, chuyên nghiên cứu phát triển giúp cho Quỹ phát triển hiệu quả. Kết quả, năm 2015 có 1.400 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Isreal, với 373 doanh nghiệp được hỗ trợ vốn, với tổng vốn hỗ trợ gần 3,6 tỷ USD.

Bên lề Hội thảo cũng diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam và Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc.

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác trong trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan tới các định chế tài chính trong phạm vi giám sát, về mô hình giám sát tài chính và cơ chế hoạt động theo quy định và pháp luật của mỗi bên, về nội dung và phương thức giám sát, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật và hợp nghiên cứu các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Lệ Chi