Chỉ phục vụ được vài vị khách trong 5 giờ, Sam Goh lo lắng cửa hàng đồ thể thao của anh - LIV ACTIV, rồi cũng sẽ nối gót các thương hiệu khác rời khỏi phố mua sắm Orchard Road (Singapore).
Quốc đảo này được coi thiên đường mua sắm, với 7,25 tỷ USD đầu tư vào ngành bán lẻ trong 5 năm qua. Nhưng giờ, họ đang phải đối mặt với cảnh ế ẩm do suy thoái kinh tế và sức mua kém của du khách.
"Trung tâm thương mại này giờ trống hoác", Goh rầu rĩ. Anh vừa phải thu hẹp một phần tư diện tích cửa hàng để giảm chi phí. Ở các quầy khác, nhân viên thu ngân rảnh rỗi ngồi chơi game trên điện thoại. Vài nhân viên bán hàng rủ nhau chơi mini golf dọc hành lang vắng vẻ. 13 trên 16 gian hàng tại tầng 5 không có ai thuê.
Cảnh tượng này cho thấy những dự báo rằng Singapore vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh, nhu cầu trong nước vẫn ổn định và ngành bán lẻ sẽ phát triển nhờ du khách Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á là hoàn toàn sai lầm. Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng với Singapore, bởi bán lẻ, bán buôn và sản xuất là những yếu tố chính đóng góp cho GDP cũng như tạo ra việc làm trong nước.
|
Phố mua sắm tại Singapore ngày càng vắng vẻ. Ảnh: Today
|
Tuy nhiên, suy thoái toàn cầu đã làm giảm sức mua của người dân trong nước. Du khách nước ngoài cũng chi tiêu ít hơn 7% trong 9 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014.
Giới nhà giàu Trung Quốc đã không còn đổ xô sang Singapore để mua đồ hàng hiệu như trước đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và chiến dịch trấn áp nạn tham nhũng của Chính phủ. Trung Quốc còn cho xây dựng nhiều trung tâm mua sắm xa xỉ, thậm chí miễn thuế cho khách địa phương ở một số điểm nóng du lịch nhằm khuyến khích tiêu dùng và thúc đẩy du lịch trong nước. Indonesia, Thái Lan và Malaysia cũng đã có hàng hiệu với giá rẻ hơn Singapore.
Ngành bán lẻ suy yếu đã trở thành một trong những khó khăn cho bất động sản Singapore. Tới cuối năm 2017, gần 200.000 m2 mặt bằng bán lẻ sẽ không có người thuê.
Hồi tháng 2, doanh thu hàng may mặc và giày dép tại Singapore giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thương hiệu lớn như New Look của Anh và Celio của Pháp đang có kế hoạch đóng cửa chi nhánh tại Singapore trong năm nay.
Seth Koh – nhân viên hãng tư vấn tín dụng SG Debt Busters cho biết năm nay số khách hàng là chủ cửa hàng có nhu cầu tìm giải pháp giảm nợ và xin phá sản đã tăng 23%. "Các nhà bán lẻ từng phất lên rất nhanh. Nhưng mọi thứ bắt đầu xấu đi khi Trung Quốc suy thoái", Koh nhận định.
Các yếu tố trong nước cũng ảnh hưởng không nhỏ. Chính sách ưu tiên việc làm cho người địa phương đã giảm số người nước ngoài tới sinh sống và làm việc tại Singapore. Tốc độ tăng lương được dự đoán sẽ giảm còn 2,5-3% trong năm 2016, so với mức trung bình 3,6% trong 10 năm qua.
"Rất khó để thay đổi tình hình hiện tại", Stephen Goh - Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp phố Orchard nhận định, dựa trên thực trạng khan hiếm việc làm, nội tệ mạnh cũng như sức mua kém. Rất nhiều người đang đặt kỳ vọng và sự kiện mua sắm hàng năm kéo dài 10 tuần "The Great Singapore Sale". Các biển quảng cáo giảm giá hàng hóa xuất hiện khắp nơi. Chuỗi cửa hàng Robinsons cũng đã giảm giá tới 70% nhiều loại mặt hàng được 2 tuần.
Lãi suất tăng cao cũng là nguyên nhân kìm hãm chi tiêu trong nước. Các chuyên gia tư vấn thế chấp cho biết nếu lãi tăng 1%, khoản trả hàng tháng cho một căn hộ tầm trung tại đây sẽ tăng thêm 400 đôla Singapore.
"Trước đây, gần như tuần nào gia đình tôi cũng đi mua sắm, nhưng giờ phải hạn chế xuống còn 1-2 lần mỗi tháng vì còn trả tiền mua nhà", Dino Ahmari - một chủ cửa hàng cho biết.
Hà Tường (theo Reuters)