Nhận thấy thu nhập từ trồng lúa thấp, Hoàng Hải Phòng, 29 tuổi, trú xã Mai Pha, TP Lạng Sơn cùng người thân trong gia đình chuyển sang trồng cây ăn quả, thu lãi hơn 300 triệu mỗi năm.
Lớn lên trong gia đình thuần nông, ruộng vườn chủ yếu trồng lúa nước và các loại rau nên thu nhập gia đình Phòng cũng chỉ đủ chi tiêu. Nhận thấy giá cả của các loại cây ăn quả cao hơn, anh cùng người thân trong gia đình bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu trồng một số giống cây ăn quả.
“Ban đầu nhà tôi trồng dưa hấu và dưa vàng nhưng đầu ra khá bấp bênh, có năm giá cao có năm thấp. Từ năm 2012, tôi thuê thêm đất trồng nho và đang tập trung cho loại quả này”, Phòng chia sẻ và cho biết, tổng diện tích 3 loại cây ăn quả của nhà anh gần 5 mẫu Bắc bộ (18.000m2), trong đó có hơn 3 mẫu đất trồng nho đem lại giá trị kinh tế cao. Ban đầu mới bắt tay vào trồng nho, Phòng gặp khó khăn chồng chất dù đã nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc thông qua các lớp tập huấn tại Sở Khoa học và Công nghệ, nhưng khi làm thực tế mới đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân.
|
Hoàng Hải Phòng hiện có khoảng 10.000 gốc nho. Ảnh: NVCC
|
Để nho phát triển tốt, đậu quả cao và không bị rụng phải rất tỉ mẩn trong chăm sóc. Có những ngày Phòng “cố thủ” trên ruộng nho tỉa cành, làm giàn, bón phân và thăm từng gốc nho để xem có sâu bệnh gì không. Do số đất của gia đình hạn chế nên mỗi năm anh đều phải tìm thuê đất để trồng, nhưng không phải lúc nào cũng thuê được những thửa ruộng ưng ý. Do trồng tập trung nên phải chọn ruộng gần nhau để tiện chăm bón và vị trí cao tránh ngập úng vào mùa mưa lũ.
Năm đầu tiên, nho nhà Phòng cho thu hoạch quả hơi nhỏ và không đẹp mắt như nho Trung Quốc nhưng nhiều người vẫn biết đến tìm mua. Nho chín tới đâu, khách mua hết tới đó. Sau vụ đầu tiên, thấy chất lượng nho vẫn còn thấp, Phòng lại cất công tìm hiểu trên tài liệu và trao đổi với các chuyên gia Trung Quốc. Các khâu tỉa cành, bảo vệ hoa, phòng trừ sâu bệnh, tăng tỉ lệ thụ phấn, tỉa quả tạo hình thái chùm, bảo vệ quả... anh đều ghi chép lại.
Thấy nho được giá, gia đình Phòng mạnh dạn mở rộng diện tích và hiện tại đang có hơn 10.000 gốc. Vào thời vụ, anh thuê 8-10 nhân công chăm sóc, tỉa, bón phân và hái nho.
|
Mỗi năm Phòng kiếm được hơn 300 triệu đồng tiền lãi từ trồng các loại cây ăn quả. Ảnh: NVCC
|
Giống nho mà Phòng chọn trồng là Cự Phong và Tảo Hồng, có thể sống ở vùng khí hậu lạnh và độ ẩm cao, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Mỗi cây cho quả khoảng 2-3 kg, một năm nhà anh thu hoạch khoảng 20-30 tấn. Dù giá bán dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng một kg, cao hơn cả nho Trung Quốc, nhưng nho vườn nhà Phòng lúc nào cũng “cháy” hàng. Trung bình mỗi ngày nho chín từ 50 đến 60 kg, ngày nào chín rộ lên đến cả tạ.
Không chỉ bán cho những mối quen biết, Phòng còn rao bán trên mạng, quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội, số lượng người biết đến nho nhà anh ngày càng tăng, đặc biệt là lượng khách “ruột”.
“Đầu ra của nho khá ổn định, tôi rao bán tại TP Lạng Sơn và một số tỉnh lân cận như Cao Bằng, Thái Nguyên. Thương lái họ vào tận vườn tìm mua, ai đặt hàng tôi sẽ gửi đi trong ngày vì không sử dụng chất bảo quản nên sau khi hái chỉ để được khoảng 3 ngày, cuống nho héo quả sẽ tự rụng khỏi chùm”, Phòng nói.
Tự nhận mình có niềm đam mê nông nghiệp, chàng cử nhân khoa giáo dục chính trị, Đại học sư phạm Thái Nguyên luôn tìm hiểu và chăm chỉ “làm thuê” ngoài ruộng cho bố mẹ bất cứ khi nào có thời gian để lấy thêm kinh nghiệm. Anh tự coi mình như một người học việc cố gắng học hỏi từ người thân và hàng xóm để hoàn thiện hơn nữa về kĩ thuật trồng nho.
Phòng tâm sự đã từng nhập ngũ, học trung cấp nghề, đi làm thuê, rồi học đại học. Dù bản thân cũng muốn có một công việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng hoạt động nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao hơn giúp anh nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Phòng cho biết mỗi năm “bỏ túi” hơn 300 triệu đồng tiền lãi từ trồng cây ăn quả, trong đó hơn một nửa từ nho. Hiện tại, anh thuê gần một mẫu đất tại Thái Nguyên trồng dưa hấu, sắp tới sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên. Anh cũng đang tìm hiểu thêm về đất và khí hậu vùng này để trồng nho, mở rộng thêm mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp.
Hồng Vân