Khu "chợ" lao động đặc biệt chỉ họp vào vụ vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) năm nay rạo rực hơn hẳn vì quả vải được giá.
Những tháng 6 ở xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) là giai đoạn cao điểm khi cả vùng vải vào mùa. Bên cạnh lao động tự có ở địa phương, mùa vải cũng thu hút hàng trăm lao động của các huyện lân cận và những tỉnh gần đó đến bẻ vải thuê.
Khu "chợ" lao động mùa vụ cũng vì thế mà hình thành nhiều năm qua. "Mỗi gia đình ở đây thường phải thuê 8-9 nhân công bẻ vải. Cao điểm chính vụ, số lao động có thể gấp đôi, tuỳ đơn hàng. Những người được thuê chủ yếu là làm thời vụ đến từ các huyện khác trong tỉnh", anh Bình - xã Tân Mộc, Lục Ngạn chia sẻ.
Lao động bẻ vải thường là đồng bào dân tộc Tày, Nùng... tranh thủ lúc nông nhàn về đây làm việc. Thế - chàng trai 25 tuổi quê tận Lạng Sơn nhưng đã có thâm niên 2 năm làm nghề tại "vựa vải" Lục Ngạn. Thế tiết lộ công việc tuy vất vả nhưng với mức thu nhập hiện tại thì "một vụ bằng cả năm làm công việc khác".
Mỗi ngày, trung bình một người bẻ vải như Thế (Lạng Sơn) thu hoạch được 2-3 tạ vải. Năm nay, nhờ vải được giá nên chủ vườn trả công khoảng 150.000-160.000 đồng một ngày, chưa kể tiền ăn, chỗ ở. Mức này cao hơn 10.000-20.000 đồng so với vụ trước.
Không đòi hỏi kinh nghiệm, nhưng nghề bẻ vải đòi hỏi sự dẻo dai, khéo léo. Thậm chí, các chủ vườn cho hay, họ thích chọn thuê chị em bẻ vải, bởi phụ nữ tuy sức yếu nhưng cần cù dẻo dai.
Dù công việc chính là trèo cây, hái vải, nhưng những lao động này còn nhiều đầu việc như bứt quả, bó vải, vận chuyển...
Sau khi thu hoạch, bó theo từng bó, những người bẻ vải sẽ vận chuyển và tập kết hàng vào một điểm, trước khi những chuyến xe đưa quả vải Bắc Giang đi khắp cả nước và xuất khẩu.
Anh Minh & Ngọc Thành |