Nhận hóa đơn tháng 6, chị Hạnh (Đan Phượng, Hà Nội) giật mình khi tiền điện tăng vọt gấp 4 lần so với tháng trước.
Thời tiết vừa vào hè nắng nóng, tiền điện nhiều hộ gia đình tại Hà Nội lại có xu hướng tăng, cá biệt có những trường hợp gấp 4 lần so với tháng trước.
Nhận hóa đơn tiền điện tháng 6, chị Hạnh giật mình khi số tiền điện phải trả vọt tăng gấp 4 lần. “Mọi tháng gia đình tôi chỉ dùng khoảng 500.000-600.000 đồng là cùng, nhưng tháng vừa rồi tiền điện tăng lên tới hơn 2,1 triệu đồng, gấp 4 lần tháng trước”, chị Hạnh cho hay.
Theo chị, vật dụng tốn điện năng nhất trong gia đình là điều hòa, do thời tiết nắng nóng và nhà có con nhỏ nên chị cũng bật nhiều hơn so với mọi tháng. Các thiết bị điện còn lại như máy lọc nước, máy giặt… có tần suất sử dụng không thay đổi. Việc tiền điện cao hơn là điều chị Hạnh đã lường trước, nhưng với tờ hóa đơn tăng gấp 4, không khỏi khiến chị thấy sốc.
“Cứ cho rằng thời tiết vào hè nắng nóng, điều hòa sử dụng nhiều hơn nhưng cũng không thể tăng nhiều như vậy. Nhà có hơn 50m2 mà tiền điện dùng bằng nhà 4 tầng gác”, chị bức xúc. Thắc mắc về hóa đơn tăng cao, định chần chừ không đóng nhưng lại sợ bị cắt điện, chị đành bấm bụng nộp tiền cho xong.
|
Vừa vào đợt nắng nóng, hóa đơn tiền điện nhiều hộ gia đình tại Hà Nội đã tăng gấp 4 lần so với trước. Ảnh: D.A
|
Cũng phản ánh về việc hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi trong tháng 6, chị Hoàng Anh (Hà Đông, Hà Nội) thắc mắc, gia đình đã thay thế toàn bộ hệ thống đèn LED tiết kiệm điện, thiết bị tiêu tốn nhất là điều hòa thì lúc nào cũng chỉ bật ở mức 27-28 độ C và ở chế độ tiết kiệm điện. Còn các thiết bị điện khác vẫn dùng như các tháng, thế nhưng tới cuối tháng hóa đơn điện vẫn không ngừng “nhảy”.
So với mức tháng 5, với mức tiêu thụ khoảng 970 kWh, số tiền mà gia đình chị Hoàng Anh phải trả trong tháng 6 lên tới trên 2,5 triệu đồng, gấp hơn 2 lần tháng trước. “Thời tiết nắng nóng nhất thì rơi vào tầm giữa tháng, mà kỳ chốt chỉ số công tơ của khu nhà tôi thường là ngày 7 hàng tháng”, chị Hoàng Anh chia sẻ và cho rằng, nếu ngành điện giải thích hóa đơn điện tăng là do nắng nóng cao điểm cũng không hoàn toàn thuyết phục.
Trả lời VnExpress về việc hóa đơn tiền điện nhiều hộ gia đình tại Hà Nội tăng vọt, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho hay, điều này đã nằm trong trù liệu của tổng công ty.
Vị này cho rằng, những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố tăng bình quân 25-30% so với tháng 5. Cá biệt có ngày cao điểm, như ngày 14/6, lượng tiêu thụ đạt tới 66,23 triệu kWh (mức tăng tương đương 41% so với tháng trước).
“Cao điểm nắng nóng khiến mức tiêu thụ điện sinh hoạt của người dân tăng vọt. Có khu vực, hóa đơn tiền điện tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với tháng trước, tùy thuộc vào ngày chốt chỉ số công tơ”, lãnh đạo EVN Hà Nội nói. Do đó, việc người dân phản ánh về tình trạng tiền điện sinh hoạt tăng vọt là khó tránh khỏi. “Chúng tôi đã quán triệt tới từng công ty điện lực trực thuộc tại các địa bàn, khi tiếp cận được ý kiến phản ánh của người dân liên quan tới chuyện tiền điện tăng thì phải giải thích kịp thời để họ hiểu”, ông Tuấn chia sẻ.
Giá điện sinh hoạt hiện vẫn được áp dụng theo cách tính giá bậc thang, mức sử dụng điện của khách hàng càng nhiều thì số tiền chi trả càng cao. Giá điện bán lẻ hiện được chia thành 6 bậc, so với giá điện bậc một là 1.484 đồng một kWh, thì giá điện bậc 6 đắt gần gấp đôi, mức 2.587 đồng. Vì thế sẽ có tình trạng, nếu khách hàng sử dụng từ 401 kWh trở lên sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang số 6, số tiền này có khi chiếm một nửa tổng tiền mà khách hàng phải trả.
“Giá điện đang áp dụng được xây dựng theo hướng có sự bù chéo giữa các nhóm khách hàng. Nếu khách hàng có điều kiện mức tiêu thụ điện năng nhiều, sẽ bù chéo cho người ít điều kiện hơn, nên phải trả nhiều hơn”, ông Tuấn giải thích.
Tình trạng tiền điện tăng vọt khi thời tiết vừa vào hè, chuyển nắng nóng khiến nhiều người dân bức xúc và nghi ngờ cách tính toán, cách ghi chỉ số công tơ mà ngành điện đang áp dụng.
Chị Hoàng Anh cho rằng, ngành điện có nhắn tin đề nghị khách hàng giám sát việc ghi chỉ số công tơ, nhưng lại thực hiện giờ hành chính nên rất khó bố trí được thời gian để cùng tham gia, kiểm tra.
Chia sẻ với bức xúc của người dân, lãnh đạo EVN Hà Nội trần tình: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu giải pháp tối ưu để phục vụ khách hàng và đang cố gắng minh bạch tới mức tối đa trong việc ghi chỉ số công tơ trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép".
Tuy nhiên, với số lượng hộ gia đình tiêu thụ, sử dụng điện lớn việc ghi chỉ số công tơ của ngành điện không thể thực hiện "dồn toa" vào cuối tuần, ngày nghỉ. "Khách hàng có thể giám sát sau ngày ghi chỉ số công tơ trên website của các công ty điện lực trực thuộc hoặc của EVN Hà Nội. Tất nhiên, dữ liệu này sẽ có sai số chút ít do lệch ngày ghi chỉ số", vị này nói.
Trước đó, sau những bức xúc của dư luận về hoá đơn điện tăng bất thường, cách đây một năm, Bộ trưởng Công Thương lúc đó - ông Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các bộ phận liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát và nghiên cứu thay đổi cách tính biểu giá điện theo lũy tiến, chia 6 bậc thang đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cách tính giá điện mới vẫn chưa được cơ quan quản lý cũng như ngành điện đưa ra lấy ý kiến người dân, công bố. Và trong khi chờ đợi, người dân vẫn phải chịu cách tính giá luỹ tiến theo 6 bậc.
Sự minh bạch trong ghi chỉ số công tơ của ngành điện cho tới giờ vẫn chỉ dừng lại ở mức “cố gắng tối đa” do quá trình thay thế hệ thống công tơ cơ sang công tơ điện tử, nhằm tăng tính tương tác giữa nhà cung cấp điện và khách hàng vẫn chưa hoàn thành. Hiện tỷ lệ sử dụng công tơ điện tử mới chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 2,2 triệu công tơ trên địa bàn Hà Nội.
“Chuyển sang công tơ điện tử những thắc mắc của khách hàng như 'vì sao dùng vẫn như tháng trước mà tháng này tiền điện lại tăng vọt' sẽ được giải tỏa”, Tổng giám đốc EVN Hà Nội hy vọng. Nhanh nhất, theo lãnh đạo đơn vị này, phải 2 năm nữa, khu vực nội thành Hà Nội mới hoàn tất quá trình chuyển đổi.
Nguyễn Hoài