Việt Nam xem xét vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc kết nối biên giới
Ngày đăng: 27/07/2016 22:10

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có điểm cuối là đường dẫn cầu Bắc Luân II, nối với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đang được xem xét vay vốn xây dựng từ China Eximbank.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng sau khi được giao nhiệm vụ làm rõ điều kiện với khoản vay ưu đãi trị giá 300 triệu USD từ phía Trung Quốc.

Cụ thể, dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có chiều dài trên 91km, điểm đầu đấu nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối giao với đường dẫn cầu Bắc Luân II (nối sang thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Dự án đi qua 5 địa phương của tỉnh Quảng Ninh gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Thời gian hoàn thành là 48 tháng.

viet-nam-xem-xet-vay-trung-quoc-300-trieu-usd-lam-cao-toc-ket-noi-bien-gioi

Các cơ quan cho rằng hiệu quả đầu tư và phương án vay cần được cân nhắc kỹ. Ảnh: Giang Huy

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 382 triệu USD. Theo phương án vốn, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đề xuất tài trợ 304,9 triệu USD (6.800 tỷ đồng), còn vốn đối ứng của Việt Nam là 77,33 triệu USD (1.700 tỷ đồng).

Tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng dự án xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là quan trọng và mang tính cấp bách, có tầm ảnh hưởng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ này đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án cho phía Bộ thực hiện.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đều có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp. Do đó, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm tránh rủi ro trong quá trình xây dựng dự án.

Cũng theo cơ quan này, 3 khoản vay tín dụng ưu đãi gần nhất của Trung Quốc đang áp dụng đối với Việt Nam là lãi suất 3-4% một năm, phí quản lý 0,25-1%, phí cam kết từ 0,25-0,5%, thời hạn vay là 15 năm. Trước đây, Bộ Tài chính đã có đàm phán với China Eximbank về điều kiện vay tín dụng ưu đãi cho dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Khi đó, ngân hàng này đề xuất điều kiện vay là lãi suất cố định 2% một năm và thời hạn vay là 20 năm, phí quản lý là 0,25% và phí cam kết là 0,25%.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc chủ trương sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cho dự án này, đồng thời ưu tiên cho những dự án cấp thiết, có khả năng thu hồi vốn. Trong trường hợp vẫn dùng nguồn vốn này thì cần xác định rõ chủ đầu tư có phù hợp với cơ chế sử dụng vốn vay dự án không.

"Dự án chưa được Chính phủ quyết định về thẩm quyền đầu tư nên việc Bộ Giao thông Vận tải gửi đề cương để đăng ký sử dụng vốn vay là chưa có căn cứ pháp lý phù hợp với quy định hiện hành. Bộ Tài chính đề nghị chủ đầu tư cần phân tích đầy đủ về hiệu quả kinh tế và có phương án tài chính phù hợp với quy định trước khi đề xuất về nguồn vốn và cơ chế tài chính cho dự án", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Sau khi Bộ Tài chính nêu quan điểm trên, Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến phản hồi cho rằng nếu dự án được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia do kinh phí lớn. Ngoài ra, đây là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư, đặc biệt thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông không thu phí.

Theo đó, ngoài Trung Quốc, hiện chưa có nhà tài trợ nào khác quan tâm đến dự án này. Do đó, Bộ Giao thông cho rằng việc sử dụng nguồn vốn vay này là hợp lý, cần thiết. "Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được thiết kế để đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần phát triển kinh tế Bắc Bộ tạo điều kiện để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực ASEAN", Bộ Giao thông nêu.

Về quy mô, trước đây, Bộ từng dự kiến mức vốn là 810 triệu USD song để giảm thiểu áp lực vay nợ nước ngoài và khả năng đáp ứng về vốn vay cho dự án, Bộ đã điều chỉnh lại chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I đầu tư 4 làn xe vốn 8.600 tỷ đồng và khoản vay tín dụng với China Eximbank là đủ.

Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng xác định việc xây dựng tuyến cao tốc là cần thiết nhằm thúc đẩy giao thương và kết nối giao thông giữa Việt Nam với Trung Quốc. Việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi là thích hợp trong điều kiện hiện nay song điều kiện của khoản vay tín dụng 300 triệu USD nêu trên chưa đủ ưu đãi để sử dụng cho dự án theo cơ chế tài chính ngân sách Nhà nước cấp phát như đề xuất của Bộ giao thông Vận tải. Do vậy, cần cân nhắc kỹ hơn.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh cần phải đàm phán tiếp với Trung Quốc để xác định điều kiện cụ thể của khoản vay theo hướng "đề nghị phía Trung Quốc áp dụng điều kiện vay ưu đãi cao hơn so với điều kiện vay gần nhất phía Trung Quốc đề xuất, không áp dụng điều kiện thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế - lắp đặt thiết bị và thi công công trình) bởi nhà đầu Trung Quốc. Ngoài ra, có thể xem xét khả năng sử dụng khoản vay này cho các dự án theo hình thức PPP (nhà nước và tư nhân cùng đầu tư)".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao cho rằng việc sử dụng khoản vay của China Eximbank cho dự án là cần thiết, có ý nghĩa tích cực trong việc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần tăng cường kết nối giao thông và thông thương hàng hoá giữa hai nước. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải là ngân sách Nhà nước cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài là chưa phù hợp với việc xây dựng đường cao tốc, với một dự án có khả năng thu hồi vốn và Bộ Giao thông cũng không phải là đối tượng vay theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành về phương án tài chính của dự án. Nhà đầu tư của cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là Liên danh nhà đầu tư Cái Mép - Thái Sơn - Vinaconex E&C.