Trong căn phòng chật chội, Zhao Guoyao - Giám đốc sản phẩm của Midea Group đang cau mày nhìn một bát cơm và nghĩ cách làm ra loại nồi tốt hơn để bán trong nước.
Zhao nghiêng đầu, ngửi hơi bốc lên từ bát cơm, và chỉ vào trong: "Những hạt cơm này nở khá to, nhưng vẫn còn khô và cứng".
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ tầng lớp trung lưu đang tăng tại đây. Quá trình này sẽ quyết định liệu họ có thể gây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững hay không.
Trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc bùng nổ nhờ xuất khẩu hàng giá thấp, dựa trên lợi thế giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, kỷ nguyên đó đã chấm dứt, do giá nhân công tại đây đang tăng cao, sản xuất lại dư thừa và cạnh tranh từ Việt Nam, Bangladesh ngày càng gay gắt.
Vì thế, để tạo ra động lực tăng trưởng mới, Trung Quốc kỳ vọng sản xuất được các mặt hàng cao cấp để bán trong nước. Và đó là lý do Zhao và công ty của ông vào cuộc.
|
Nồi cơm điện bày bán tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh. Ảnh: AP
|
Đến nay, các công ty Trung Quốc vẫn tập trung vào phân khúc thấp của thị trường nội địa. Và dù là nền kinh tế lớn nhì thế giới, nước này lại chẳng có đại diện nào góp mặt trong top 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới của Forbes.
Nồi cơm điện là sản phẩm cơ bản của rất nhiều hộ gia đình Trung Quốc. Các mẫu nồi cơ bản được sản xuất tại đây có giá 20 USD. Những mẫu rẻ nhất hay bị hỏng và thi thoảng còn bốc cháy.
Khi mức sống dần tăng cao, nhiều gia đình chuyển sang tìm kiếm các loại máy móc của Nhật Bản với công nghệ tiên tiến hơn. Và vì được bán tại Trung Quốc, các sản phẩm này có giá khá cao do thuế nhập khẩu. Một số lên tới 1.000 USD.
Nhiều người vì thế đã tận dụng các chuyến du lịch sang Nhật Bản để mua đồ. Họ mang về mỹ phẩm, sữa bột và cả bệ ngồi toilet. Năm ngoái, khách du lịch Trung Quốc đã chi tới 215 tỷ USD ở nước ngoài. Vì thế, mục tiêu của Bắc Kinh hiện tại là sản xuất ra những đồ đạc chất lượng tốt hơn.
Ding Jianxiong (31 tuổi) đã trả 550 USD để mua một chiếc nồi cơm điện khi tới Tokyo năm ngoái. Ding cho biết số tiền này cũng rất đáng. "Hạt cơm rất mềm và dẻo nữa. Anh có thể nếm từng hạt ấy", anh nói.
Ding còn mua mỹ phẩm cho vợ và tã cho con gái. Anh đã thử mua đồ trong nước, nhưng cảm thấy chúng không mềm và thấm hút tốt như hàng Nhật. Con gái anh còn bị ngứa nữa. Tháng trước, trong một khảo sát của Nielsen, 67% người Trung Quốc tham gia cho biết ưa chuộng thương hiệu quốc tế hơn trong nước.
Dù vậy, các công ty Trung Quốc đang dần thay đổi. Midea là hãng sản xuất đồ gia dụng lớn nhất nước này Là đối tác sản xuất hợp đồng cho Sharp (Nhật Bản), họ đã làm nồi cơm theo công nghệ mới cho Sharp từ những năm 2000. Sau đó, họ tiếp tục sản xuất các sản phẩm như thế này để bán trong nước từ cách đây 5 năm.
Hãng smartphone Xiaomi thậm chí còn ra loại "nồi cơm điện thông minh", có khả năng quét mã vạch trên bao bì để nhận biết loại gạo và điều chỉnh chế độ nấu.
Midea hiện chiếm 43% thị phần nồi cơm điện Trung Quốc. Họ đã thuê chuyên gia Hàn Quốc, cử nhân viên sang tham quan nhà máy Nhật Bản và còn có một nhóm chuyên nếm cơm. Hằng năm, hãng này mua 200 tấn gạo để phục vụ mục đích nghiêm cứu sản phẩm.
Gree - một hãng sản xuất đồ gia dụng khác tại Trung Quốc cũng quảng cáo nồi cơm điện cao cấp của mình với khẩu hiệu "Bạn không cần phải sang Nhật để mua nồi cơm nữa". Chen Zili - Giám đốc Marketing của Gree chẳng cảm thấy lạ khi người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng trong nước.
"Các công ty Trung Quốc cạnh tranh về giá. Vì thế, họ cắt xén mọi thứ. Thế là mọi người không tin vào hàng Trung Quốc nữa", ông nói.
Một số người tiêu dùng, như anh Ding, thì cho rằng hàng giả hàng nhái tràn lan trong nước đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin. "Ngay khi có sản phẩm nào tốt ra mắt tại Trung Quốc, người ta lại lập tức làm hàng nhái", anh nói.
Bất chấp nỗ lực của nước này nhằm tăng niềm tin tiêu dùng, vấn đề chất lượng và an toàn vẫn khiến người dân lo ngại. Đồ chơi Trung Quốc bị phát hiện nhiễm chì và asen. Đầu năm nay, các bậc phụ huynh cũng nổi giận khi phát hiện giới chức giấu tin về một đường dây làm sữa bột giả suốt nhiều tháng. Tin tức về các vụ nồi cơm điện bốc cháy cũng liên tục xuất hiện. Đến nỗi các ký túc xá phải cấm sử dụng sản phẩm này.
Midea thì cho biết sản phẩm của họ an toàn, do có công nghệ phù hợp. "Chúng tôi đang tiến bộ rồi. Trước đó, chúng tôi chỉ học hỏi và sao chép từ nước ngoài", Zhao cho biết.
Hà Thu (theo WSJ)