Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương có vốn đầu tư 137 tỷ đồng được xây dựng và vận hành gần một thập kỷ, nhưng luôn trong tình trạng đi tìm chủ mới.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt có vốn đầu tư là 137 tỷ đồng. Trong đó, gần 60 tỷ đồng là nguồn vốn ODA của Tây Ban Nha và gần 78 tỷ đồng từ ngân sách. Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương
|
10 năm qua nhà máy rác thải phải liên tục đi tìm chủ.
|
Năm 2007, nhà máy được khởi công, 4 năm sau hoàn thành và do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Dương quản lý, vận hành. Tuy nhiên, vận hành hơn một năm, nhà máy đã không hoạt động đúng như kế hoạch khi chỉ xử lý được 45% rác thải trên địa bàn. Hơn nữa, sản phẩm làm ra cũng không tiêu thụ được, tồn kho lên đến vài nghìn tấn. Dự án đi vào bế tắc.
Để tạo lối thoát, cuối năm 2012, nhà máy được giao cho Công ty Môi trường APT - Seraphin Hải Dương quản lý. Khi đó APT - Seraphin đã dùng dây chuyền của nhà máy để sản xuất phân hữu cơ và trả nợ gốc lẫn lãi vay được 3,2 tỷ đồng. Sau hơn một năm vận hành, sản phẩm phân hữu cơ không tiêu thụ được nên dây chuyển sản xuất vi sinh phải tạm dừng hoạt động.
Hoạt động không hiệu quả, rác thải phải đem đi đốt. Thậm chí công ty cho biết, việc dừng hoạt động của nhà máy gây tồn đọng lượng rác khổng lồ, có thời điểm lên đến 22.000 tấn. Sản phẩm phân vi sinh làm ra không tiêu thụ được, được ủ thành mùn đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đầu năm 2015, APT - Seraphin có văn bản trả lại dự án ODA bằng vốn Tây Ban Nha thuộc Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt về tỉnh Hải Dương với lý do không đủ năng lực tài chính để thực hiện. Theo tính toán sơ bộ của APT – Sepharin, để nhà máy hoạt động trở lại phải đầu tư thêm 79 tỷ đồng, chưa kể chi phí sửa chữa các thiết bị cũ, công nghệ của Tây Ban Nha "không phù hợp với thời tiết Việt Nam” nên bị hư hỏng nặng.
Đến tháng 7/2015, tỉnh Hải Dương tiếp tục giao nhà máy cho Công ty Môi trường Bắc Việt tiếp nhận và vận hành. Tuy nhiên, đến tháng 5/2016, Bắc Việt bất ngờ xin không tiếp nhận nhà máy nên việc bàn giao đã bị bãi bỏ.
Do lượng rác thải tồn đọng lên đến hàng chục nghìn tấn, tỉnh Hải Dương một lần nữa lại phải tìm nhà đầu tư thực hiện dự án và coi đây là việc làm cấp thiết. Hiện Công ty Quản lý công trình đô thị Hải Dương là đơn vị được lựa chọn tiếp nhận nhà máy này. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đưa ra môt loạt đề xuất như tỉnh Hải Dương phải hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng hơn 15ha, sản phẩm phân vi sinh làm ra không đem bán mà được dùng cho hoạt động ươm trồng, chăm sóc cây xanh, cây cảnh trên địa bàn.
Lý giải việc chọn Công ty Quản lý công trình đô thị Hải Dương, tỉnh cho biết đây là doanh nghiệp Nhà nước nắm 51% vì vậy sẽ thuận lợi hơn trong việc chỉ đạo, điều hành trong tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt so với các doanh nghiệp tư nhân.
Thực tế, việc chế biến phân từ rác thải sinh hoạt được cho là một xu hướng tích cực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với kinh phí bỏ ra lớn, đòi hỏi công nghệ cao, nhân công lớn hơn thì sản phẩm làm ra thường có giá cao và không cạnh tranh được. Trong khi đó, thị trường phân bón Việt đang có dấu hiệu bão hoà, cung lớn hơn cầu nên giá rẻ hơn.
Bạch Dương |