17.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa cho Tết Đinh Dậu tại TP HCM
Ngày đăng: 04/11/2016 20:01

UBND TP HCM vừa thông qua kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Đinh Dậu trên địa bàn với tổng giá trị đến 17.000 tỷ đồng, chủ yếu là nhóm hàng lương thực - thực phẩm.

Theo kế hoạch, tổng giá trị nguồn hàng mà doanh nghiệp sản xuất tại thành phố cung ứng cho 2 tháng Tết Đinh Dậu sắp tới là 17.068 tỷ đồng, tăng 870 tỷ đồng (5,3%) so với Tết Bính Thân 2016. Trong đó, giá trị hàng bình ổn thị trường là hơn 6.800 tỷ đồng.

Dự kiến,  nhiều nhóm hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, chi phối 35% đến 52% nhu cầu thị trường: thịt gia cầm (59,6%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%), thực phẩm chế biến (38,3%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (33,3%)...

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ 29/12/2016 đến 27/1/2017 (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hoá mà các doanh nghiệp chuẩn bị là hơn 9.700 tỷ đồng. Trong đó, hàng bình ổn thị trường hơn 3.746 tỷ đồng. Sở Công Thương TP HCM cho biết, một số đơn vị như Sài Gòn Co.op sẽ chuẩn bị 105.000 tấn hàng hoá, trị giá hơn 3000 tỷ đồng; Satra chuẩn bị lượng hàng trị giá hơn 1.400 tỷ. Riêng tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng hoá nhập về dịp Tết dự kiến khoảng 8.500 tấn một ngày, chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, thuỷ hải sản, chiếm khoảng 60% đến 70% thị trường. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn cũng đã có kế hoạch tăng lượng hàng cung ứng gấp 2 đến 3 lần mức bình thường.

17000-ty-dong-chun-bi-hang-hoa-cho-tet-dinh-dau-tai-tp-hcm

Lượng hàng chuẩn bị cho Tết Đinh Dậu của TP HCM sẽ cao hơn năm trước.

Một số mặt hàng quan trọng dịp Tết như hoa, bia rượu và bánh kẹo mứt… đều tăng mạnh sản lượng cung ứng. Cụ thể, lượng hoa phục vụ Tết sẽ tăng khoảng 30% đến 40% so với ngày thường, chủ yếu là hồng, lan, mai, cúc... Tại 8 chợ hoa lớn, 1.500 tấn hoa sẽ được nhập về trong 8 ngày cao điểm trước Tết. Đối với nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn dịp Tết vào khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát một tháng, tăng 30% so với tháng thường. Riêng lượng bia với nguồn cung đảm bảo nên giá cả sẽ không tăng. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo sẽ tiêu thụ khoảng 18.000 tấn. Nhiều công ty bánh kẹo cho biết sản lượng cung ứng năm nay sẽ tăng 10% đến 20%, giá không tăng so với Tết Bính Thân 2016. Cá biệt có một số đơn vị còn kỳ vọng sản lượng tăng đến 50%.

“Năm nay chúng tôi ra mắt hơn 50 sản phẩm Tết đa dạng chủng loại và chất lượng. Công ty đang kỳ vọng doanh thu dịp này sẽ tăng đến 50% so với Tết năm ngoái”, bà Lâm Ngọc Thẩm - Tổng Giám đốc Công ty Topcake chia sẻ.

Sở Công Thương TP HCM cho biết thêm, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh kẹo, mứt, quần áo… giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng. Riêng các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cùng các hệ thống phân phối đã xây dựng kế hoạch khuyến mại, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng vào cận Tết. Cụ thể, giá trứng gia cầm sẽ giảm 1.000-2000 đồng mỗi chục vào 2 ngày trước Tết; giá thịt gia súc giảm 5% đến 10% một tháng trước Tết;  giá thịt gia cầm giảm 10% vào 3 ngày cận Tết; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5% đến 7% trong 3 tuần trước tết; rau củ quả, thủy hải sản giảm 15% đến 20% một tháng trước Tết. Các hệ thống phân phối lớn như: Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon-Citimart, Big C sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% đến 49% cho vài nghìn mặt hàng.

“Nhìn chung, dự báo tình hình thị trường Tết tại TP HCM sẽ có thêm nhiều đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý và nhiều doanh nghiệp tại Thành phố sẽ có điều kiện mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối.”, Sở Công Thương TP HCM nhận định.

Viễn Thông