Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Điểm lại (Taking Stock), nhận định kinh tế Việt Nam sẽ vẫn ổn định nhờ nhu cầu trong nước và sản xuất theo định hướng xuất khẩu, bất chấp tình hình toàn cầu còn chưa khởi sắc.
Cơ quan này nhận định nhìn chung, triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực, nhưng vẫn cần tập trung hơn vào chất lượng tăng trưởng. GDP năm nay được dự báo tăng 6%, thấp hơn so với ước tính năm ngoái (6,7%) và dự báo 2017 (6,3%).
WB cho rằng tăng trưởng của Việt Nam giảm nhẹ xuống 5,9% trong ba quý đầu năm chủ yếu do hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nông nghiệp, sản lượng dầu thô bị cắt giảm và nhu cầu bên ngoài chững lại. Còn các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng - sức cầu trong nước và sản xuất định hướng xuất khẩu - nhìn chung vẫn đứng vững.
Lạm phát cũng sẽ ở mức vừa phải. Lạm phát lõi được dự báo vẫn ở mức thấp, còn lạm phát chung dự kiến không vượt chỉ tiêu chính thức là 5%.
|
Tăng trưởng tại Việt Nam được dự báo ổn định trong trung hạn. Ảnh: Reuters
|
"Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu. Đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất. Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế", ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.
WB cũng nhận xét bội chi ngân sách của Việt Nam đang ở mức cao, nhưng Chính phủ cam kết củng cố tài khóa trong trung hạn. Còn nợ công đang tiến sát giới hạn 65% GDP. Cơ quan này dự báo tỷ lệ này năm nay là 64,6% và năm tới là 65,2%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cao và chính sách tài khóa dù có thể hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, nhưng lại làm tăng rủi ro tài chính trong trung hạn. Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam hiện gấp đôi tăng trưởng GDP. Theo WB, dòng tiền đang chảy nhiều vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ (như bất động sản) hơn là các lĩnh vực sản xuất có lợi cho nền kinh tế.
WB cũng đề cập đến các rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt, cả bên trong lẫn bên ngoài. Đó là chậm trễ củng cố ngân sách, khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng còn nhiều bất ổn, chính sách tại Mỹ chưa chắc chắn và kinh tế Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh.
Trả lời câu hỏi về tác động của việc Tổng thống mới đắc cử của Mỹ - Donald Trump dọa rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Sebastian Eckardt - kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết tuy hiện tại chưa thể xác định rõ Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng ra sao, nền kinh tế cũng sẽ không chịu tác động nhiều trong trung hạn. Ông cho biết Việt Nam là một trong những nước sẽ hưởng lợi lớn nhất từ hiệp định này. Và với việc nền kinh tế đang mở cửa, Việt Nam cũng ngày càng chịu áp lực phải cải tổ kinh tế để hội nhập với toàn cầu.
Báo cáo cũng bàn về hướng đi cho ngành nông nghiệp, để đem lại giá trị kinh tế cao hơn và sinh kế tốt hơn cho người tiêu dùng cũng như nông dân, đồng thời giảm sử dụng tài nguyên. WB cho rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Nhưng trong thời gian tới, Chính phủ cần giảm chỉ đạo và tăng hỗ trợ để chuyển đổi cơ cấu ngành này, đồng thời hỗ trợ tạo dựng thương hiệu cho nông phẩm Việt Nam trên thế giới.
Hà Thu