Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để doanh nghiệp xếp hàng về Bộ Xây dựng
Ngày đăng: 17/02/2017 21:30

Hơn một lần Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng về việc xây dựng thể chế nhưng không được theo hướng để doanh nghiệp phải xếp hàng về Bộ xin điều chỉnh dự án. 

Đây là một trong những yêu cầu được nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng, đứng đầu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với Bộ Xây dựng diễn ra sáng ngày 17/2. 

Tính từ đầu năm 2016 tới nay, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao 311 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 233 nhiệm vụ, còn 74 nhiệm vụ đang thực hiện, có 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Công tác hoàn thiện thể chế là một trong những nội dung được lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh với ngành xây dựng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện nhanh nhất, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 59 về quản lý đầu tư xây dựng. Hiện nay, các bộ ngành, địa phương đều nói việc giải ngân đầu tư công rất chậm trễ, trong đó có một phần nguyên nhân từ thủ tục xây dựng liên quan tới Nghị định 59.

bo-truong-mai-tien-dung-dung-de-doanh-nghiep-xep-hang-ve-bo-xay-dung

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt 6 vấn đề Bộ Xây dựng cần phải lưu tâm trong thời gian tới. Ảnh: Chinhphu

“Việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cao tầng… trước đây thuộc Sở Xây dựng, nhưng giờ lại tạo ra thủ tục và những quy định khiến người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng lên Bộ để làm thủ tục. Dù điều chỉnh ít cũng phải lên Bộ Xây dựng, gây khó khăn cho người dân và lãng phí cho doanh nghiệp. Thủ tướng có truyền đạt lại với tôi lưu ý Bộ cần xem xét điều này cần chỉnh sửa, mạnh dạn phân cấp việc xem xét các thủ tục này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, đồng thời truyền đạt 6 chỉ đạo của Thủ tướng đối với ngành xây dựng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới 2 nội dung là công tác quy hoạch và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ông cho rằng, trong thực tiễn việc tổ chức thực hiện không nghiêm dẫn đến phá vỡ quy hoạch ban đầu, nhiều nhà đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch. 

"Cần xây dựng cơ chế sao cho đừng để nhà đầu tư điều chỉnh, luồn lách điều chỉnh quy hoạch. Phải có tổ chức thực hiện quy hoạch, thanh tra, kiểm tra làm sao mà hiệu quả nhưng vẫn thống nhất về cách quản lý", ông Dũng nhấn mạnh.

Với công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gồm các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tiến độ tốt nhưng còn 2 vấn đề tồn tại. Thứ nhất là tỷ lệ doanh nghiệp sau cổ phần hóa công khai minh bạch thông tin thấp, điều này là vi phạm luật. Thứ 2, tỷ lệ cổ phần hóa sau khi bán rất thấp, mới chỉ đạt 1,5%, trong khi bình quân cả nước là 8%. Ông cũng lấy ví dụ một số doanh nghiệp, nếu để ốm yếu mới cổ phần hóa thì không nên, cần làm cổ phần hóa khi doanh nghiệp đang sống khỏe thì mới hiệu quả. 

Vấn đề quy hoạch, kiến trúc, phát triển nhà ở xã hội... cũng là những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các thành viên trong Tổ công tác. 

"Quy định các dự án phải dành 20% quỹ đất xây nhà giá rẻ nhưng các chủ đầu tư không muốn. Rồi xét duyệt hồ sơ người mua nhà giao cho chủ đầu tư nhưng họ cũng không làm đúng đối tượng. Họ làm cách này cách khác nên không phải người nào muốn cũng có thể mua nhà và có thể tin tưởng những dự án đó", ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên Tổ công tác nhận định. 

Về những nội dung được Tổ công tác của Thủ tướng đề cập, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có những giải thích cặn kẽ từng vấn đề.  Về việc chậm trễ trong xây dựng Nghị định 59, ông Hà cho rằng đặc thù của ngành xây dựng khá phức tạp ở chỗ, muốn làm gì thì làm, tiền kiểm hay hậu kiểm thì quan trọng vẫn là phải bảo đảm chất lượng công trình. Xây dựng có lúc phải tiền kiểm bởi đến lúc hậu kiểm là công trình đã xảy ra sự cố rồi. Do đó, Nghị định 59 mỗi lần lại phải sửa một chút nên mất nhiều thời gian. 

Việc phân cấp trong xử lý các thủ tục, theo lý giải của Bộ trưởng Xây dựng vẫn là tinh thần của Nghị định mới, tuy nhiên, Bộ phải thực hiện công tác kiểm tra chặt chẽ hơn. 

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, người đứng đầu ngành xây dựng cũng cho rằng hiện nay dư luận rất bức xúc. Theo ông, có một bất cập rất lớn hiện nay là khi xây dựng quy hoạch ban đầu thì nhiều người tham gia, nhưng khi điều chỉnh chỉ có một số ít người và không loại trừ khả năng có lợi ích nhóm, có sự tác động của nhà đầu tư. Để giải quyết bất cập đó thì Bộ Xây dựng cũng xác định rõ những giải pháp. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện lại thể chế, tổ chức lại bộ máy quy hoạch.

"Có những đô thị không phải lớn về quy mô nhưng có giá trị về mặt văn hóa như Sapa, Hội An… nếu để cho địa phương làm quy hoạch thì rất có khả năng vỡ trận nên phải có sự chỉ đạo từ trung ương. Bộ Xây dựng cũng đang trình Chính phủ dự thảo Luật quản lý đô thị để khắc phục những điều này", ông Hà cho hay. 

Về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo Bộ thừa nhận tỷ lệ thoái vốn nhà nước những đơn vị trực thuộc còn thấp. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh quan điểm, không cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bằng mọi giá.

Theo ông, hiện một số tập đoàn tư nhân lớn trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu là kinh doanh thương mại, dịch vụ. Trong khi đó, ngành xây dựng còn có những lĩnh vực then chốt khác như xây lắp, thủy điện, vật liệu xây dựng... 

"Sông Đà, Lilama... thực sự là những quả đấm chủ lực của ngành với nhiều công trình thủy điện, xây lắp. Do đó, khi cổ phần hóa  phải tính toán, cân nhắc thận trọng nếu không làm tan luôn", ông Hà lý giải. 

Còn về sự mất cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản, Bộ trưởng cũng cho hay lãnh đạo ngành đã nhận thức được điều này. Theo ông, hiện phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng đã dư thừa.

“Có những sản phẩm theo tính toán của chúng tôi là đã đủ dùng đến năm 2020 rồi. Do đó, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để hạn chế tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp, trong đó có những chính sách đẩy mạnh hơn nhà giá rẻ và tầm trung", ông Hà nói.  

Ngọc Tuyên   |