Chính quyền Bangkok (Thái Lan) tiếp tục có biện pháp cứng rắn đối với hàng rong và quán ăn vỉa hè bằng cách bắt buộc thêm một số khu vực nổi tiếng về thức ăn đường phố phải “giải tán” trước dịp lễ Songkran sắp đến.
Tờ Bangkok Post cho biết, chính quyền Bangkok tiếp tục tỏ động thái cứng rắn khi từ chối thương thuyết với những người bán thức ăn đường phố ở đô thị này trong chiến dịch giải tỏa vỉa hè đang diễn ra. Nhà chức trách đã yêu cầu các quầy thức ăn đường phố tại khu vực Soi 55 và Soi 71, Sukhumvit phải đóng cửa. “Thành phố số một thế giới về thức ăn đường phố như Bangkok có thể sắp trở thành trung tâm của những tuyến vỉa hè bỏ hoang”, tờ báo bình luận.
Lý do của chiến dịch là hàng rong và các quầy thức ăn vỉa hè đang chiếm quá nhiều diện tích ở khu vực Thong Lor-Ekamai-Phra Khanong. Dù không đưa ra bằng chứng nhưng chính quyền Bangkok tuyên bố đã nhận được nhiều phàn nàn của người đi bộ về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, khiến di chuyển khó khăn. Vì thế, giới chức thành phố ra hạn chót các quán ăn vỉa hè và hàng rong phải “giải tán” xong vào ngày 17/4 tới, tức vào Lễ té nước Songkran.
|
Từng có 15.000 người kinh doanh hàng rong, vỉa hè được giải tán tại Bangkok.
|
“Mặt đường sẽ được dọn sạch. Tuy nhiên, có một vấn đề là mọi người thích thức ăn đường phố”, Bangkok Post nhận định. Người dân thành phố này vốn hay đổ xô đến khu vực Sukhumvit để thưởng thức các món ăn đường phố. Bangkok từng được CNN vinh danh hai lần liên tiếp là “thành phố hàng đầu thế giới về thức ăn đường phố”. Và thức ăn đường phố cũng vốn là một nét đặc trưng của du lịch Bangkok nói riêng và Thái Lan nói chung.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng đóng vai trò quảng bá nhiệt tình cho “đặc sản” này. Tổ chức Thailand Foundation còn phát hành một ứng dụng trên iOS và Android mang tên "Street Food". Hiện ứng dụng này có 3 phiên bản là Bangkok, Chiang Mai và mới nhất là Phuket.
Phiên bản Bangkok còn vừa phát hành giao diện tiếng Trung. Đường Sukhumvit chính là một địa chỉ được đề cập hàng đầu trong ứng dụng. Hàng chục nghìn người dùng đã xếp hạng ứng dụng này từ 4 đến 5 sao trên kho ứng dụng Google Play. Tuy nhiên, những yếu tố này không làm thay đổi quan điểm chính quyền Bangkok do ông Aswin Kwanmuang lãnh đạo, vốn nổi tiếng là cứng rắn.
Bangkok Post cho rằng, sự cứng rắn đang quá mức cần thiết. Tờ báo cho rằng, chính quyền Bangkok nên hướng dẫn hoặc hợp tác với những người kinh doanh thức ăn đường phố để tổ chức thành những địa điểm kinh doanh hợp pháp. “Có thể bắt đầu bằng việc quy định về vệ sinh, bố trí khu vực nấu ăn, ngồi ăn sao cho không ảnh hưởng đến người đi bộ. Các thành phố ít phổ biến về thức ăn đường phố bằng Bangkok lại đang rất thành công với việc này. Chính quyền nên thích ứng chứ không phải chỉ đạo”, tờ báo bày tỏ quan điểm.
|
Có thể bắt gặp quán ăn vỉa hè ở rất nhiều nơi tại Bangkok.
|
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Bangkok ra thời hạn để giải tỏa một khu vực vốn nổi tiếng về thức ăn đường phố và tụ tập hàng rong của thủ đô. Trước đó, Bangkok đã có mục tiêu giảm tắc nghẽn giao thông và làm sạch vỉa hè bằng cách buộc giải tán hàng rong và các quán ăn lấn chiếm. Chiến dịch bắt đầu được triển khai mạnh từ năm 2014. Giai đoạn 2015-2016, có khoảng 15.000 người buôn bán hàng rong, thức ăn vỉa hè tại 39 khu vực của Bangkok bị giải tỏa trắng.
Hàng rong và quán ăn lề đường cũng vốn là một đề tài được đưa ra thảo luận sôi nổi của giới chính trị gia mỗi đợt tranh cử cầm quyền tại Bangkok. Tuy nhiên, theo đánh giá của BBC, không vị lãnh đạo nào giữ được lời hứa giành lại vỉa hè tốt như chính quyền hiện tại.
Viễn Thông (theo Bangkok Post, BBC)