Giả mạo 'made in Vietnam' làm giảm uy tín doanh nghiệp
Ngày đăng: 25/07/2019 22:16

Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN đạt trên 6.165 tỷ đồng, khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47 % so với cùng kỳ 2018), với 1.546 đối tượng (tăng trên 56% so với cùng kỳ 2018)”, Ban chỉ đạo 389 quốc gia thông tin.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động.

Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy, hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, gây thất thu NSNN, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và thiệt hại người tiêu dùng.

Gia mao 'made in Vietnam' lam giam uy tin doanh nghiep hinh anh 1
Cơ quan chức năng Lào Cai 16 container chứa 440 tấn hạt dẻ nhập lậu.

Đối với tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép. Mới đây tại Lào Cai, lực lượng chức năng đã phát hiện 16 container chứa 440 tấn hạt dẻ có dấu hiệu lợi dụng chính sách hàng tạm nhập - tái xuất thẩm lậu vào nội địa.

Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế lại ghi nhận nhiều vụ vi phạm là hàng hóa gọn nhẹ, nhưng bên trong cất giấu vàng, sản phẩm động vật hoang dã, mỹ phẩm, rượu ngoại, xì gà,... Điển hình là vụ việc ngày 24/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ 3.000 điếu xì gà của một hành khách mang từ Cuba về Việt Nam.

Trong khi đó, hoạt động buôn lậu các mặt hàng như xăng dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu lại liên tục xảy ra tại các tuyến đường biển, cảng biển.

Các vụ vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong danh mục Cites như vảy tê tê, ngà voi cũng có chiều hướng gia tăng, các lô hàng nhập khẩu khai là gỗ, nhưng bên trong cất giấu các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp.

Tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thường xuyên xảy ra tại thị trường nội địa.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hiện nay còn nổi lên tình trạng các đối tượng người nước ngoài cấu kết với người địa phương, thuê kho, xưởng để tàng trữ, pha chế ma túy vận chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Văn Hưng/Zing.vn