TPP: Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam
Ngày đăng: 13/04/2016 21:32


 















 
 
 
 
 
 
 
 










Tại hội nghị, các diễn giả đã tập trung thảo luận về sự phát triển kinh tế Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP; triển vọng, cơ hội và thách thức đối với đầu tư và thương mại trong TPP; các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ; những thay đổi chính sách về lao động của Việt Nam khi TPP có hiệu lực.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP cho rằng, các FTA mang đến cho Việt Nam các cơ hội về thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu (XK), tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô thị trường rộng lớn.
Bên cạnh đó, các FTA còn là cơ hội để Việt Nam tiếp thu công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; điều chỉnh quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước theo hướng cân bằng hơn; tạo dựng khuôn khổ cho cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao vị thế của Việt Nam tại một khu vực phát triển năng động.

Cùng với cơ hội, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả ba cấp độ (sản phẩm, doanh nghiệp (DN) và chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh), thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, về an ninh mạng. Khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương.
Nếu sản phẩm không cạnh tranh được và nếu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh cũng không xâm nhập được vào thị trường các nước có FTA với Việt Nam dù họ có đưa thuế nhập khẩu về 0%, trong khi sản phẩm của họ dễ dàng vào nước ta. Một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm, tạo sức ép về mặt xã hội.

Theo ông Trương Đình Tuyển, tác động tích hợp của các hiệp định theo hướng tích cực còn lớn hơn, song, cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó không biến thành sức mạnh trên thị tường mà phải thông qua chủ thể là Nhà nước và DN. 

Theo nhận định của các chuyên gia, trong giai đoạn 2016-2018, những yếu tố bên ngoài tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế là tích cực. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét yếu tố bên trong. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, nhưng vẫn còn những hạn chế yếu kém như: cân đối ngân sách rất căng thẳng, nợ công tăng cao; nợ xấu chưa được xử lý tốt; DN trong nước rất khó khăn; tiến trình tái cơ cấu diễn ra chậm, chưa đạt yêu cầu trên cả bốn nội dung (tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu DN nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp).

Chia sẻ về những thách thức trong việc tuân thủ các cam kết về thương mại trong TPP mà DN Việt Nam cần chuẩn bị, ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng các công ty đa quốc gia sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế từ các FTA, trong đó có TPP, khi sản xuất hàng XK sang các thị trường TPP.
Điều này cũng mang đến cơ hội mới cho các DN Việt Nam trong việc trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI  tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Để tận dụng được cơ hội nêu trên, các DN Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ, tuy nhiên phải chú ý các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành thành phẩm để XK sang một nước TPP.

Về phía Chính phủ, theo ông Nestor Scherbey, nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các DN FDI và các nhà cung cấp trong nước nhằm hỗ trợ  các công ty Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập các nguồn thông tin thương mại về  FTA và các trung tâm hỗ trợ  DN Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với các DN vừa và nhỏ. Những trung tâm thông tin thương mại mới này nên tiến hành nghiên cứu thị trường XK liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài và phổ biến thông tin này cho các DN trong nước.
 
theo baohaiquan