Vướng mắc thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh
Ngày đăng: 13/04/2016 21:33


  •  Theo Cục Hải quan Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận có một số trường hợp tàu biển nước ngoài chở hàng hóa vào cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng. Ngoài hàng hóa là hàng nhập khẩu của chủ hàng Việt Nam, trong hồ sơ tàu nhập cảnh còn thể hiện tàu có chở hàng quá cảnh. 
Đối với phần hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu và Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu đã thực hiện giám sát hàng hóa và làm thủ tục hải quan theo quy định. Tuy nhiên, đối với phần hàng hóa được khai trên chứng từ là hàng quá cảnh, phát sinh 2 trường hợp. 
Thứ nhất, sau khi dỡ hàng nhập khẩu, tàu biển làm thủ tục xuất cảnh ngay tại cảng để tiếp tục vận chuyển hàng quá cảnh sang nước thứ ba hoặc quay trở về nước ban đầu, không chở hàng hóa đi vào lãnh thổ Việt Nam để xuất khẩu qua cửa khẩu xuất khác. Trường hợp thứ hai, tàu chở hàng nhập khẩu cho nhiều chủ hàng và cập vào nhiều cảng khác nhau để dỡ hàng, đến cảng cuối cùng mới xuất cảnh chở theo hàng quá cảnh sang nước thứ ba hoặc quay trở về nước ban đầu.

Trong trường hợp thứ nhất, hiện nay, Luật Thương mại, Nghị định 187/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 42/2015/TT-BTC đã quy định về thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh, thủ tục hải quan đối với tàu biển quá cảnh. Tuy nhiên, theo Cục Hải quan Đồng Nai, các quy định như trên chỉ phù hợp để áp dụng đối với trường hợp tàu biển chở hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam đi vào và đi ra tại 2 cửa khẩu khác nhau, đồng thời trên tàu chỉ chở hàng quá cảnh. 

Còn với trường hợp tàu và hàng quá cảnh không đi vào lãnh thổ Việt Nam mà đi vào và đi ra ngay tại 1 cửa khẩu, đồng thời hàng hóa quá cảnh được vận chuyển chung với hàng nhập khẩu (một số hàng hóa như hóa chất, xăng dầu còn được chứa chung trong bồn, hầm hàng), hiện nay mới chỉ có quy định về hồ sơ hải quan tại Nghị định 08 và chưa có quy định về thủ tục hải quan cũng như trách nhiệm của cơ quan hải quan trong kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa quá cảnh trong trường hợp này. Trường hợp hàng hóa thuộc diện XNK có giấy phép, theo Nghị định 187, chỉ được phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Bộ Công Thương cho phép, vậy trường hợp này hàng đi ra khỏi Việt Nam ngay tại cảng thì có cần có giấy phép quá cảnh của Bộ Công Thương hay không? Chủ hàng có phải thuê thương nhân Việt Nam kinh doanh dịch vụ quá cảnh thực hiện thủ tục đối với lượng hàng quá cảnh không?

Trong trường hợp thứ hai, Cục Hải quan Đồng Nai cũng chỉ ra một số vướng mắc. Cụ thể, đối với hàng nhập khẩu, sau khi dỡ hàng tại cảng 1 có áp dụng thủ tục hàng hóa vận chuyển độc lập theo Thông tư 38/2015/TT-BTC để vận chuyển từ cảng 1 đến các cảng 2, cảng 3 không? Nếu áp dụng thì do có nhiều cảng đi, cảng đến nên Cục Hải quan Đồng Nai kiến nghị hướng dẫn rõ thủ tục vận tải độc lập trên VNACCS/VCIS áp dụng đối với hàng chuyển cảng, quá cảnh tại từng cảng, trách nhiệm của đơn vị hải quan từng cảng đối với lô hàng.

Đối với hàng hóa quá cảnh, Cục Hải quan Đồng Nai đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể về việc bàn giao, theo dõi tình trạng lô hàng quá cảnh giữa hải quan cửa khẩu nhập (cảng 1) và cửa khẩu xuất (cảng 3), cũng như trách nhiệm giám sát của cơ quan Hải quan đối với hàng quá cảnh tại cảng 2 khi tàu cập cảng để dỡ hàng.