37,23 tỷ USD là tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến hết tháng 4, theo thông tin cập nhật của Tổng cục Hải quan, chiếm đến 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Xét về mặt số lượng, các DN FDI có 29 trên tổng số 45 nhóm mặt hàng xuất khẩu chính được Tổng cục Hải quan thống kê (tương đương hơn 64%).
Đáng chú ý, các DN nước ngoài gần như ấp đảo về trị giá xuất khẩu ở các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính.
Cụ thể, nhóm hàng điện thoại và linh kiện chiếm tới 99,8% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước (11,315 tỷ USD/11,338 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 97,5% (4,912 tỷ USD/5,039 tỷ USD).
Một nhóm hàng xuất khẩu lớn khác là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, các doanh nghiệp nước ngoài cũng chiếm 89,4% trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước (2,571 tỷ USD/2,877 tỷ USD).
Đặc biệt, nhiều mặt hàng được xem là thế mạnh truyền thống của Việt Nam cũng đang bị các DN nước ngoài áp đảo như dệt may; giày, dép.
Trong đó, trị giá xuất khẩu dệt may của DN FDI đạt 4,136 tỷ USD, chiếm gần 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi tỷ lệ này của ngành hàng giày, dép lên đến 80,9%.
Hiện nay, DN trong nước chỉ còn chiếm ưu thế với DN FDI ở những mặt hàng xuất khẩu liên quan đến nông sản (cà phê, gạo, hạt điều, cao su, rau quả…), thủy sản, hoặc đến tài nguyên khoáng sản (dầu thô, than đá, các loại quặng…).
Đặc biệt, các DN FDI dường như không quan tâm đến lĩnh vực chế biến, xuất khẩu hạt điều và “nhường” sân chơi trị giá 688 triệu USD xuất khẩu (tính đến hết tháng 4) cho DN trong nước.
theobaohaiquan