Các công ty giày dép Việt Nam phần lớn lo xuất khẩu. Thị trường trong nước rất ít người chịu chơi.
Đoàn Ngọc Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư và Phát triển Leedo, trước đây là Công ty TNHH Nhựa và Thương mại Liên Đoàn, chia sẻ với Cafebiz tại Triển lãm Quốc tế Da Giày tại TP HCM ngày 13/7 về lĩnh vực da giày. Công ty Leedo chuyên sản xuất đế giày và giày dép.
Theo anh Hiếu, các công ty giày dép Việt Nam phần lớn lo xuất khẩu. Thị trường trong nước rất ít người chịu chơi vì suy nghĩ các công ty lớn như Asia, Biti's đã chiếm lĩnh một phần lớn thị trường trong nước. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn phân khúc mà có thể đầu tư được. Hiện, người Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho giày dép.
Theo thống kê, mỗi người Việt Nam sở hữu 1,2 đôi giày mà dân số của nước ta là 92 triệu người. Chỉ tính như vậy thôi, cũng thấy sức tiêu dùng giày dép của người Việt rất lớn.
Phần lớn công ty gia đình không coi trọng bộ phận marketing, làm sao phát triển thương hiệu
Phần lớn các công ty giày dép ở Việt Nam là công ty gia đình. Nề nếp, cách hoạt động rất truyền thống. Để tiếp cận thị trường hiện nay, thời điểm mà rất nhiều công ty nước ngoài đến, thì các công ty Việt có lỗ hổng về tổ chức. Vấn đề là làm sao để biến công ty gia đình thành công ty quản lý theo phương Tây để kinh doanh hiệu quả hơn, anh Hiếu cho biết.
Ông Đoàn Ngọc Hải, bố của anh Hiếu, thành lập công ty Lê Đoàn vào năm 1990, tiền thân của Công ty Đầu tư và Phát triển Leedo ngày nay, chuyên cung cấp nguyên liệu simili và các loại đế PU. Đến cuối năm 2015, Leedo có 300 nhân viên, 2 nhà xưởng (Long An: 45.000 m2 và Bình Chánh 6.000 m2 với dây chuyền sản xuất khép kín ở các khâu. Sản xuất của Leedo chiếm 40% thị phần đế PU tại TP HCM, cụ thể 4 triệu đế/năm và 1 triệu đôi giày, dép/năm.
Hiếu nhận định, các công ty sản xuất truyền thống thường không coi trọng marketing hay bộ phận bán hàng. Thường họ chỉ giao sỉ ra chợ. Các bậc cha chú đi trước họ làm theo cách đó cũng không sai vì trước kia không có facebook, không có Internet để đẩy marketing phát triển.
"Hiện tại, các doanh nghiệp có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin như quảng cáo để hỗ trợ thương hiệu. Do vậy, đôi khi ba con bất hòa về quan điểm phát triển thương hiệu doanh nghiệp, ví dụ như chuyện tham gia hay không tham gia hội chợ. Theo tôi, đến hội chợ là để phát triển thương hiệu, về lâu về dài", anh Hiếu nói.
Không có tiêu chuẩn quốc tế, làm sao vươn ra thị trường thế giới
Anh Hiếu chia sẻ với Cafebiz rằng, các công ty gia đình cũng không chú ý tới các tiêu chuẩn ISO vì vốn bán theo kiểu truyền thống, giống như tự công nhận. Nhiều người quan niệm rằng "làm gì cho phí". Tuy nhiên, theo tôi, không đạt tiêu chuẩn ISO thì không xuất khẩu được.
"Vừa rồi, tôi có đi hội chợ ở Italy. Nhiều sản phẩm đẹp nhưng thiếu chứng chỉ. Châu Mỹ hay châu Âu, họ yêu cầu chứng chỉ rất khắt khe. Không có chứng chỉ, không thể tiến xa ra thế giới được", anh Hiếu cho biết.
"Theo tôi, cái khó là làm sao cho tư tưởng mới và cũ gặp nhau. Nhiều công ty gia đình Việt Nam không thể thành công vì thế hệ thứ 2 không thay đổi được theo thời đại, không vẽ được hướng đi mới, phù hợp với lợi thế hiện tại. Điều này dẫn tới chán nản và bỏ nghề", doanh nhân cho hay.
Theo giám đốc điều hành của Leedo, số lượng thế hệ thứ 2 theo nghề truyền thống da giày của gia đình rất ít. Tôi nhớ các công ty truyền thống như Biti's, Tuấn Việt, Thái Bình, Vinh Thông là thế hệ thứ 2 đang nỗ lực để theo nghề và đổi mới để phù hợp với thị trường hiện tại.
"Tầm tuổi 30 như tôi nhiều khi thấy ngợp khi nhìn vào sản xuất của gia đình. Quá nhiều thứ phải lo, nhiều công đoạn cần hoàn thiện", anh Hiếu cho biết.
Tiềm năng phát triển ngành da giày Việt Nam
Theo thông tin từ Hội Sản xuất Giày dép Đài Loan, Việt Nam sẽ tăng 20% sản lượng xuất khẩu giày trong năm nay, do nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP. Xuất khẩu giày và túi xách của Việt Nam tăng 16% trong năm 2015 với doanh thu 15 tỷ USD, trong đó 12 tỷ từ giày dép và 3 tỷ từ túi xách.
Việt Nam là quốc gia sản xuất giày lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu giày thứ 3 toàn thế giới, sau Trung Quốc và Italy.
Các sản phẩm giày dép của Việt Nam xuất hiện ở 45 quốc gia, chủ yếu ở Mỹ (với doanh thu 3,3 tỷ USD năm 2014. Con số này tăng 26,9% trong năm 2015), châu Âu (3,6 tỷ USD), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Mỹ nhập khẩu 98% giày dép trên toàn thế giới, chủ yếu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 tới Mỹ (10% tổng sản lượng nhập khẩu), sau Trung Quốc (80% tổng sản lượng nhập khẩu).
Ngành da giày Việt Nam đang có sức cạnh tranh tốt vì lượng lao động dồi dào và giá nhân công rẻ so với một số quốc gia trong khu vực. Lương công nhân ở Việt Nam là 250 USD/tháng, so với 500 USD/tháng ở Trung Quốc.
theo trithuctre