Da giày khó vì ưu đãi “lệch”
Ngày đăng: 18/08/2016 22:51

Các DN da giày trong nước đang gặp khó trước sự “lấn lướt” của các DN FDI.

Cửa rộng cho FDI

Những năm gần đây, XK da giày của nước ta luôn đạt kim ngạch thuộc top những nước đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong cơ cấu XK, gần 80% kim ngạch thuộc về DN FDI, trong khi số lượng DN FDI chỉ chiếm chưa đầy 25% tổng số DN da giày. Không những thế, nhiều dự báo cho rằng, cơ cấu này còn đang tiếp tục thay đổi theo hướng tăng dần ở phía DN FDI và giảm dần phía DN trong nước. Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam cảnh báo, nếu DN trong nước không vươn lên, nâng dần tỷ trọng thì có thể dẫn đến nguy cơ rời khỏi thị trường, chịu thua trên sân nhà.

Chính vì thế, khuyến nghị được đặt ra là các DN da giày trong nước phải chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh để đủ sức cạnh tranh với DN FDI. Song điều đáng buồn, nhiều DN cho biết, địa phương cũng như các khu công nghiệp đang dành ưu đãi nhiều hơn cho DN FDI, việc cấp phép hay giảm trừ chi phí cũng “rộng cửa” hơn so với DN trong nước.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội da giày TP.HCM cho hay, phần lớn DN da giày Việt Nam đang sản xuất theo phương thức gia công nhỏ lẻ nên chưa chú trọng vào đầu tư, phát triển. Hơn nữa, DN trong nước đang phải chịu nhiều sức ép từ phía DN FDI. Họ không những có tiềm lực mạnh về tài chính, kinh doanh mà còn nhận được nhiều ưu đãi hơn.

“Tôi được biết tại nhiều nơi, DN FDI được mời chào để vào đầu tư với nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Còn DN trong nước phải tự tìm đường để làm ăn. Trong nhiều khu công nghiệp, DN FDI được ưu ái hơn khi mức phí thuê mặt bằng rẻ hơn, diện tích rộng hơn, thời gian cho thuê nhiều hơn. Nguyên nhân vì các DN FDI thường mạnh tay đầu tư xây dựng nhà máy lớn, tương lai doanh thu cao, trong khi các DN trong nước chỉ đầu tư nhỏ lẻ, trang thiết bị không đạt yêu cầu…”, ông Khánh nói.

Khó tứ bề

Thu hút đầu tư FDI là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nhất là khi thực tế năng lực của các DN Việt Nam còn đang thiếu nhiều điều kiện để có thể đạt được quy mô như các DN FDI. Do đó, trong một vài năm trở lại đây, nhiều tập đoàn lớn trong ngành da giày từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hoa Kỳ… đã đầu tư hàng triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất da giày, nguyên phụ liệu da giày tại Việt Nam.

Trước áp lực này, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH thuộc da Đặng Tư Kỳ cho biết, do nhận được nhiều ưu đãi và thấy được cơ hội từ thị trường Việt Nam, các DN FDI đầu tư ngày càng nhiều và có sự lớn mạnh vượt trội. Các DN này đang làm những đơn hàng lớn, của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới, còn các DN trong nước như Đặng Tư Kỳ chỉ có thể làm những đơn hàng nhỏ, đơn hàng từ khách hàng đã có quan hệ lâu năm. Với tình hình kinh doanh khó khăn từ đầu năm đến nay, DN chỉ sản xuất cầm chừng, chưa đủ điều kiện để mở rộng nhà xưởng hay phát triển thị trường.

Điều đáng nói là nhiều DN da giày cho rằng, nếu xét về chất lượng thì sản phẩm của các DN trong nước cũng ở mức tương đương. Do vậy, nếu có thêm nguồn vốn để mua trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng thì các DN này cũng có cơ hội phát triển ngang bằng với DN FDI.

Tỏ thái độ lạc quan hơn về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH da giày Đất Việt cho rằng, các thương hiệu lớn bao giờ cũng lựa chọn đơn vị sản xuất tốt nhất, có uy tín nên DN Việt Nam chưa thể cạnh tranh được với DN FDI. Nhưng đây cũng không hẳn là thiệt thòi cho DN trong nước, bởi DN có thể nhận gia công đơn hàng cho chính các DN FDI. Với cách làm này, DN không những có thêm nguồn hàng mà còn có thể học hỏi kinh nghiệm, được các DN này chuyển giao công nghệ để có điều kiện sẽ tự lực phát triển sau này.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, trong đó có việc “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035”, cùng với đó là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. Những chính sách này đang được kỳ vọng sẽ có được ưu đãi “công bằng” hơn cho các DN da giày trong nước.

Nhìn chung, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN da giày trong nước có thể có đủ tiềm lực để nhận những đơn hàng lớn, nhưng với năng lực hiện tại, họ cần thêm những ưu đãi về nguồn vốn, mặt bằng để đủ sức cạnh tranh. Do đó, những ưu đãi cần đến đúng và hiệu quả tới những DN đang cần để phát triển. Còn với các DN FDI, thu hút là hợp lý nhưng cần sự cân nhắc, tính toán để tạo cơ hội cho sản xuất trong nước được phát triển bền vững.

theo baohaiquan