Thị trường da giày Ấn Độ: rộng lớn nhưng... xa lạ!
Ngày đăng: 18/08/2016 22:54

Nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam tỏ ra ngạc nhiên trước lời mời gọi hợp tác đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp Ấn Độ. Một thị trường da giày Ấn Độ rộng lớn, tiềm năng, nhưng liệu doanh nghiệp Việt Nam đã đủ sức vươn tới?

Lời mời hợp tác được nêu ra trong buổi tiếp xúc giữa doanh nghiệp da giày hai nước diễn ra hồi giữa tháng 7. Ông M. Rafeeque Ahmed, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu da giày Ấn Độ, kêu gọi các công ty Việt Nam đến Ấn Độ hợp tác đầu tư sản xuất hàng da giày để tận dụng thị trường nội địa khổng lồ và cả các thị trường xuất khẩu. Theo ông Rafeeque Ahmed, Ấn Độ có lợi thế về nguyên liệu dồi dào, dân số trẻ, lao động có tay nghề..., chi phí sản xuất sẽ rất cạnh tranh.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị thu hút trước lời mời từ một thị trường sản xuất giày dép lớn thứ hai trên thế giới, với sản lượng 2,2 tỉ đôi mỗi năm (trong đó tiêu thụ nội địa chiếm 95%) và giá trị thị trường ước tính khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ. Theo ông Rafeeque Ahmed, kích cỡ thị trường có khả năng chạm mức 12 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Tuy nhiên, khi so sánh thiệt hơn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chung nhận định là họ chưa hội đủ điều kiện vươn tới một thị trường như Ấn Độ.

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Da giày Nam Bình, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, thị trường Ấn Độ tuy rộng lớn nhưng giá cả còn thấp. Từ nhiều năm nay, hầu hết công nghệ sản xuất da giày của Việt Nam đều “học” từ Đài Loan, Hàn Quốc hoặc của các nước phát triển, nếu đầu tư sang Ấn Độ sẽ khó cạnh tranh về giá. Điều mà lâu nay ngành da giày Việt Nam còn thiếu là khâu thiết kế sản phẩm nên phần lớn công việc vẫn là gia công, hoặc khá hơn là mua nguyên liệu bán thành phẩm, riêng khâu thiết kế vẫn phụ thuộc vào các đối tác mua hàng Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... Chính vì chưa chủ động khâu phát triển mẫu mã và công nghiệp phụ trợ, theo ông Vũ, ngành da giày Việt Nam muốn có lợi thế “đem quân đi đánh xứ người” thì cần phải đợi thêm 5-7 năm nữa.

Nhận định về việc đầu tư ở thị trường Ấn Độ, ông Vũ nói với TBKTSG: “Chúng ta chưa có lợi thế cạnh tranh. Hiện ta chưa chủ động về máy móc thiết bị, phần lớn vẫn phải nhập từ Trung Quốc hoặc Đài Loan. Giá bán ở thị trường Ấn Độ không cao, vị trí địa lý còn xa...”.

Theo Lefaso, ngành giày dép Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây và có nhu cầu rất lớn về nguyên phụ liệu da giày, tuy nhiên, nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng. Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 1,2 tỉ đô la Mỹ nguyên liệu da giày chủ yếu từ các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc.

Trong khi đó, được biết ngành công nghiệp da Ấn Độ có nguồn cung dồi dào nhờ nước này có số lượng trâu và gia súc chiếm 21%; số dê, cừu chiếm 11% trên toàn cầu. Có khoảng 3 tỉ feet vuông da thuộc được sản xuất hàng năm, đáp ứng 10% nhu cầu thế giới. Với chiến dịch “Made in India” đang được tập trung triển khai, Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng thu hút được nhiều cụm nhà máy chuyên ngành da giày cùng với nhiều tiện ích tích hợp.

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng trong nền kinh tế toàn cầu, vấn đề phân công sản xuất và chuyển dịch đơn hàng diễn ra rất nhanh theo chuỗi giá trị từ nước này sang nước khác, từ khu vực này sang khu vực khác và chỉ những doanh nghiệp đủ tầm, đủ lực mới nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với mỗi doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, dù đang nằm ở bất cứ thị trường nào, cũng đều chịu sự chi phối chung về nghiên cứu phát triển mẫu mã, đơn hàng, mua bán vật tư nguyên liệu...

Nhìn lại ngành da giày Việt Nam, muốn đầu tư sang nước khác, các doanh nghiệp cần phải thiết lập được hệ thống quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu và phát triển, chuỗi cung ứng, logistics và đào tạo phát triển nguồn nhân lực đồng bộ, mới mong gặt hái thành công. Chưa kể phân khúc thị trường ở Ấn Độ phân bổ không đều, ở nhiều nơi, người dân vẫn còn nghèo.

Ông Thuấn cho biết thêm: “Hiện có Công ty Giày Thái Bình đang nghiên cứu đầu tư sang các thị trường như Myanmar, Bangladesh, còn Ấn Độ thì chưa nghe nói tới. Chúng tôi từng nghe là có vài doanh nghiệp da giày lớn trên thế giới đầu tư vào Ấn Độ nhưng chưa thành công”.

Về lời mời đầu tư vào Ấn Độ, dù đã “chinh chiến” trong ngành hàng da giày hàng chục năm, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Liên Anh, cũng không tránh khỏi sự nghạc nhiên. Theo bà Liên, lâu nay, doanh nghiệp da giày Việt Nam biết đến Ấn Độ qua nguồn cung da thô chứ chưa biết nhiều về thị trường tiêu thụ hoặc vấn đề đầu tư sản xuất. Bà cho rằng nếu đầu tư vào Ấn Độ thì cần phải tìm hiểu kỹ về chi phí lao động cũng như tính ổn định của lao động. Bà nói: “Nếu có đầu tư ra nước ngoài lúc này, tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ ưu tiên lựa chọn Myanmar hoặc Campuchia vì một số lợi thế như: thị trường gần, giá lao động cạnh tranh, và gần đây, đã có một số khách hàng của chúng ta dịch chuyển đơn hàng mua túi xách sang Myanmar và Campuchia”.

Còn theo một chuyên gia lâu năm trong ngành da giày, Ấn Độ có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng vấn đề vận chuyển hàng hóa giữa hai nước còn trở ngại bởi chi phí cao, hàng container có khi sẽ phải trung chuyển qua Singapore.

Ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết hiện Ấn Độ đang tập trung ưu đãi cho ngành da giày và các sản phẩm từ da, nếu các doanh nghiệp da giày Việt Nam đầu tư vào Ấn Độ sẽ có cơ hội tận dụng nhiều ưu đãi. Ông cho biết giá trị thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 7 tỉ đô la Mỹ năm 2015 và mục tiêu đạt 15 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

 


theo thesaigontimes.vn