Năm 2016 là năm sẽ hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định Việt Nam-EU sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan đang đặt ra cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam như các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được phổ biến trong bối cảnh thuế nhập khẩu được xóa bỏ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Từ những khó khăn đó, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay rất khó đạt được nếu không có những giải pháp đột phá của toàn ngành.
Nhiều thách thức
Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng năm 2016 chỉ đạt 5,3%, thấp hơn nhiều so với mức 9,2% của cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2015.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài những biến động thị trường, sản phẩm… những nguyên nhân xuất phát từ nội tại các nước nhập khẩu cũng ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.
Nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, các quy định yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản…
Trong khi các đối thủ có nguồn cung tương tự Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đang gia tăng cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam cả về lượng và giá.
Còn số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 2,93 triệu tấn bằng 1,32 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Đây được cho là mức gần như thấp nhất trong nhiều năm qua. Dự báo trong các tháng cuối năm hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục ảm đạm do nhu cầu tiêu thụ chưa rõ nét tại các thị trường xuất khẩu tập trung.
Các thị trường mới như châu Phi và châu Mỹ có tăng nhưng không bù đắp được sự sụt giảm ở những thị trường truyền thống trên.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo sụt giảm xuất phát từ nhu cầu thị trường yếu và sản xuất trong nước cũng có những bất ổn do ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn.
Trong 7 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là Trung Quốc và các nước châu Á (chiếm 70-75% dung lượng thị trường) đã giảm mạnh.
Do đó, năm nay có thể là một năm khó khăn của xuất khẩu gạo, các tháng cuối năm dự báo có những khó khăn nhất định, số lượng xuất khẩu có thể thấp hơn năm 2015.
Cần phải có những biện pháp thúc đẩy để nhu cầu trở lại sớm, tiếp tục củng cố duy trì các thị trường truyền thống đồng thời mở rộng các thị trường mới, tận dụng điều kiện hội nhập kinh tế thế giới mới của Việt Nam.
Tương tự, xuất khẩu ngành da giày và dệt may cũng đang trong tình trạng hết sức khó khăn. Tính đến hết tháng 7-2016, xuất khẩu ngành da giày chỉ mới đạt một nửa kế hoạch. Mục tiêu 17 tỷ USD trong năm nay rất khó đạt được nếu không có những giải pháp đột phá.
Trong khi đó, mức tăng trưởng hiện tại của ngành dệt may được đánh giá là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (chưa đến 6%).
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đang gặp nhiều khó khăn vì ngoài áp lực cạnh tranh gay gắt tại các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp còn đang phải chịu gánh nặng về tăng chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho bãi.
Bên cạnh đó, một số chính sách trong nước như việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu và sử dụng máy móc thiết bị… còn nhiều bất cập, tác động không thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian qua
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bên cạnh khó khăn về thời tiết, giá cả, hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn gặp khó khăn về thủ tục hành chính đối với các lô hàng nhập khẩu gia vị, phụ gia để chế biến xuất khẩu liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và các vấn đề liên quan đến dán nhãn phụ khiến doanh nghiệp tốn kém và mất nhiều thời gian; có những lô hàng để làm xong các thủ tục phải mất từ một đến một tháng rưỡi, thậm chí làm doanh nghiệp mất luôn đơn hàng.
Để giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường rà soát và có sự cải cách đối với các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tháo gỡ cho hoạt động xuất khẩu
Đối với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe cho biết, xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2016 đạt 3,2 tỷ USD và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù gặp nhiều khó khăn bởi tình hình biến động thời tiết và giá cả thị trường nhưng doanh số xuất khẩu vẫn tăng hơn 4% cũng là điều khích lệ ngành thủy sản, cho thấy ngành này vẫn đang có nhu cầu tăng trưởng, vấn đề là làm thế nào để có những biện pháp đáp ứng các tháng cuối năm.
Về sản phẩm, xuất khẩu tôm đạt 1,35 tỷ USD tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay nguồn nguyên liệu khó khăn các doanh nghiệp tập trung vào việc gia tăng giá trị của sản phẩm, do vậy mặt hàng tôm chân trắng và tôm sú chế biến có mức tăng khả quan.
Hiệp định FTA với Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016 bắt đầu tác động tích cực xuất khẩu tôm sang thị trường này, mặc dù FTA với EU và TPP chưa có hiệu lực nhưng nhu cầu từ các thị trường này đã có dấu hiệu tăng trưởng và phục hồi.
Theo ông Hòe, đối với thị trường châu Âu nếu chứng minh được sản phẩm tôm sạch sẽ tăng uy tín và thương hiệu cho thủy sản Việt Nam và nhu cầu thị trường cũng sẽ tăng cao, thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, không chỉ mặt hàng tôm mà tất cả các ngành hàng khác nếu không đảm bảo được khâu sản xuất sạch thì rất khó trụ lại các thị trường và đối mặt với các rào cản. Do vậy, ngay từ các cơ sở đầu tư sản xuất, phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu đặc thù đối với từng ngành hàng.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay là thị trường truyền thống chưa củng cố được và xuất khẩu đang giảm sút dần trong khi thị trường mới khó khăn về gạo cao cấp chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do vậy, nếu không có giải pháp quyết liệt về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng gạo từ khâu sản xuất thì rất khó giải quyết vấn đề thị trường cho xuất khẩu gạo và cả thị trường nội địa. Về giải pháp, cần có chiến lược củng cố các thị trường truyền thống, mở những thị trường mới, tận dụng những cơ hội của các hiệp định FTA mới.
Từ thực tế hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm, Bộ Công Thương nhận định việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2016 ngày càng khó khăn.
Để phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao nhất ngoài việc thực hiện tốt các giải pháp về tài chính, tiền tệ, phát triển nguồn hàng. Các doanh nghiệp, địa phương và các hiệp hội tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể đối với từng ngành hàng.
Bộ Công Thương sẽ sát cánh để giải quyết nhanh những khó khăn cho doanh nghiệp như thành lập đường dây nóng và giao cho Cục Xuất khẩu xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đường dây nóng này, đồng thời, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho doanh nghiệp…