Dệt may, da giày lo tìm đơn hàng cho 2017
Ngày đăng: 05/12/2016 20:16

Khó khăn hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 9 tháng đầu năm 2016, XK dệt may của Việt Nam đạt tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Nguyên nhân do tác động từ yếu tố khách quan như nền kinh tế của một số nước NK dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn, sự kiện Brexit ở Anh… Ngoài ra, còn do tỷ giá ngoại tệ ổn định, chi phí lãi vay cao, lương tối thiểu tăng cao… khiến giá cả tăng cao, mất sức cạnh tranh so với hàng hóa tại các quốc gia giá rẻ mới nổi khác.

Đặc biệt, VITAS cũng cho biết, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều DN, lượng đơn hàng của nhiều DN dệt may hiện mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, dự báo, XK hàng dệt may nước ta năm nay đạt khoảng 28-29 tỷ USD, chỉ tăng 5% so với năm 2015.

Chia sẻ về khó khăn của DN, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Benew cho hay, DN mới có đủ đơn hàng đến cuối năm, còn tình hình đơn hàng sang năm vẫn phải đợi. Chuẩn bị cho năm 2017, DN mới chỉ có một vài đơn hàng do khách hàng quen đặt sẵn, nhưng không đủ để sản xuất mà phải có thêm đơn hàng mới. Tuy nhiên, để tìm hợp đồng với khách hàng mới thời điểm này khá khó khăn, vì không những khách hàng khan hiếm mà phải mất nhiều thời gian để khách hàng tìm hiểu, làm quen rồi mới đi đến ký kết hợp đồng.

Cũng tương tự như ngành dệt may, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM cho biết, các DN da giày vẫn đang loay hoay với đơn hàng đến cuối năm, chỉ có DN lớn, DN FDI mới có đủ đơn hàng, còn DN vừa và nhỏ gặp khá nhiều khó khăn, đơn hàng cả trong nước và XK đều khan hiếm.

“Với đơn hàng XK, do XK da giày chủ yếu sang châu Âu nhưng kinh tế châu Âu đang kém khởi sắc, nên không những khách hàng đặt hàng ít mà lượng tồn kho cũng còn nhiều, tình trạng này dẫn đến nhiều khách hàng trây ì không chịu thanh toán hết hợp đồng khiến DN Việt Nam khó lại càng thêm khó. Do vậy, khoảng thời gian này, không ít DN chỉ đang tính đến phương án đòi nợ khách hàng để lo chi trả các khoản chi phí dịp cuối năm, chưa thể nghĩ tới phương án tìm đơn hàng mới cho năm 2017”, ông Khánh nói.

Chờ cơ hội từ FTA

Nhìn chung, đây là tình trạng chung của hầu hết DN ngành dệt may, da giày. Do đó, nhiều DN dù trong tâm trạng lo lắng nhưng vẫn phải nỗ lực tìm phương án khắc phục, chờ thời cơ giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần may 9 cho rằng, đơn hàng khan hiếm phần nhiều do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế. Hơn nữa, khách hàng cũng đang đợi khủng hoảng qua đi, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực để tăng tốc đặt hàng nhằm tranh thủ ưu đãi khi giao thương với Việt Nam. Muốn như vậy, các DN có thể phải chờ đến hết năm 2017 mới có thể vực lại kim ngạch XK.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hải Yến cho biết thêm, các đơn hàng đang bị hút bớt bởi các DN FDI. Các DN này đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam để tận dụng cơ hội mà Việt Nam được hưởng. Do đó, với nguồn tài chính lớn, họ xây dựng nhà máy với công nghệ hiện đại, quy mô lớn khiến càng ngày DN Việt Nam càng phải chịu sức ép lớn.

“Tuy nhiên, sức ép này cũng không hẳn chỉ gây bất lợi, khiến các DN trong nước hết đường làm ăn mà đang trở thành động lực để kéo các DN trong nước phải vươn lên. Theo đó, các DN trong nước có thể học tập kinh nghiệm, bắt buộc mình phải tìm ra hướng để cạnh tranh nếu không muốn bị đánh bật khỏi thương trường. Hơn thế, các DN trong nước có thể tìm cơ hội liên kết hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng của họ để có thêm nguồn đơn hàng từ chính thị trường trong nước”, bà Yến nhận định.

Cùng với việc chờ đợi và nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, nhiều DN nói đến việc phải tìm cách liên kết lại để cùng sản xuất được các đơn hàng lớn. Về cách làm này, bà Nguyễn Thị Lan, Chủ cơ sở da giày Phương Quỳnh cho hay, DN đã nhận được nhiều đơn hàng đến từ Nhật Bản cho năm 2017, nhưng đơn hàng này hơi quá sức với quy mô của DN, nên DN đã tìm cách liên kết với các cơ sở khác trong vùng để có thể hoàn thành đơn hàng theo yêu cầu của khách hàng.

Với những khó khăn nêu trên, các DN ngành da giày, dệt may đều phải nỗ lực, căng mình chuẩn bị cho một năm đầy khó khăn tiếp theo. Ở góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng, không nên mở rộng DN ở “cuối nguồn” cung ứng mà nên mở rộng DN “đầu nguồn”, sản xuất nguyên liệu phụ trợ… để giảm sức ép cạnh tranh và tạo thành chuỗi liên kết, giảm chi phí, giảm giá thành, từ đó hỗ trợ XNK để DN bớt nỗi lo “chạy” hợp đồng từng mùa vụ như hiện nay.

Theo baohaiquan