Thông tin từ Công ty cố vấn tiêu dùng toàn cầu Wazir Advisors, quy mô tiêu thụ sản phẩm dệt may của thế giới năm 2015 là khoảng 2.110 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với năm 2012. Trong đó, có 4 thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới là: EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, chiếm hơn 78% quy mô tiêu thụ toàn cầu. Về sản xuất giày dép, Việt Nam nằm trong tốp 4 quốc gia xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới.
*Thu hút về vùng sâu
Theo phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, thì ngành dệt may, giày dép sẽ ưu tiên thu hút đầu tư về các huyện vùng sâu, vùng xa như: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Các địa phương cũng triển khai nhanh việc mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư vào dệt may, giày dép và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép. PGS.TS Trần Thị Xuân Hương (Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh) cho rằng ngành dệt may, giày dép của Đồng Nai chủ yếu tập trung ở TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Đây là các khu vực đông dân cư, vì thế trong giai đoạn 2016-2020 tỉnh chỉ nên khuyến khích đầu tư mở rộng các dự án hiện hữu trong điều kiện mặt bằng sản xuất cho phép. Đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì mở rộng quy mô. Đến giai đoạn 2021-2030, tỉnh đẩy mạnh việc thu hút các dự án đầu tư vào ngành dệt may, giày dép, công nghiệp phụ trợ cho 2 ngành này về 5 huyện vùng sâu, vùng xa. Như vậy, sẽ đảm bảo được nguồn lao động phục vụ ngành và khai thác được tiềm năng của các địa phương, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường và quá tải dân số ở TP.Biên Hòa và một số huyện có công nghiệp phát triển. “Dệt may và giày dép là 2 ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh nên quy hoạch từng giai đoạn để phát triển sẽ tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đồng thời, giúp cho ngành công nghiệp dệt may, giày dép của tỉnh phát triển bền vững, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và gia tăng chuỗi giá trị cho sản phẩm” - Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, những năm tới tỉnh sẽ ưu tiên mời gọi các dự án dệt may, giày dép về các huyện nông thôn, vùng núi để giúp các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong vùng. Theo lãnh đạo các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, thì nếu thu hút được các dự án dệt may, giày dép về huyện sẽ giải quyết được việc làm ổn định cho nhiều lao động trẻ, giúp họ không phải ly hương để làm việc. Bên cạnh đó, cũng giúp cho thu nhập của người dân trong huyện tăng lên. *Chú ý thị trường nội Trong 11 tháng của năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh là hơn 1,56 tỷ USD và giày dép trên 2,85 tỷ USD. Các doanh nghiệp của 2 ngành trên, gần 90% sản phẩm sản xuất ra để xuất khẩu sang khoảng 40 thị trường trên thế giới. Những công ty sản xuất dệt may, giày dép có vốn lớn chủ yếu thuộc về nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, trong đó phần lớn các doanh nghiệp gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, những dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép như: xơ, sợi dệt, thuộc da, dệt nhuộm, các phụ liệu đầu tư vào tỉnh khá nhiều. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho 2 ngành trên cũng chưa chú ý nhiều đến tìm đối tác cung ứng hàng hóa trong nước mà phần lớn vẫn là xuất khẩu. Đơn cử, các doanh nghiệp sản xuất giày dép, dệt may lớn ở Đồng Nai: Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Khu công nghiệp Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), Công ty cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai, Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) và Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom). Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, giày dép chưa chú ý đến thị trường nội địa, trong khi nhu cầu từ thị trường này rất lớn. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ trên 200 triệu đôi giày dép, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 90 triệu đôi/năm, còn lại là nhập khẩu. Vì thế, quy hoạch dệt may, giày dép trong thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích doanh nghiệp tăng xuất khẩu và mở rộng tiêu thụ tại thị trường nội địa”. Mục tiêu phát triển ngành dệt may của tỉnh giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng nội địa 10-12%/năm, giày dép 10-12%/năm, giai đoạn 2021-2030, dệt may và giày dép là 8-9%/năm.