EU hiện được đánh giá là thị trường XK lớn của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Các mặt hàng XK của Việt Nam sang EU khá đa dạng, gồm hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử, thủy sản, nông sản và một số sản phẩm khác. Mặc dù là thị trường trọng điểm, đã có nhiều chính sách hỗ trợ chung cho các DN và nhiều chính sách hỗ trợ dành riêng cho ngành dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản… nhưng các hỗ trợ chưa nhiều và chưa có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, XK của DN. Nhiều DN chưa hiểu hết về đặc điểm nhu cầu, về các chính sách thuế và phi thuế... của thị trường EU. Mặt khác, các thủ tục, đặc biệt các thủ tục như vay vốn ưu đãi, hoàn thuế, thủ tục hải quan và một số các thủ tục hành chính khác còn rườm rà, phức tạp, thiếu sự minh bạch, phát sinh thêm các chi phí ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN.
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU có hiệu lực sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường này tốt hơn. Cụ thể, một số mặt hàng chủ lực như dệt may với mức thuế dự kiến cắt giảm từ 12% về 0%, hàng da giày từ 12,4% về 0% và một số mặt hàng khác nữa sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK Việt Nam.
Song cùng với việc cắt giảm thuế, EU cũng giống như nhiều nước sẽ tích cực sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ, hàng rào kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh dịch tễ... để bảo hộ nền sản xuất trong nước.
PGS.TS Doãn Kế Bôn, Trường Đại học Thương mại nhìn nhận, hàng hóa của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị kiện bán phá giá, bị kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định về hàng rào kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh dịch tễ... Đây là một thách thức lớn đối với hàng hóa XK của Việt Nam vào thị trường EU.
Do đó, để tiếp cận thị trường EU, DN phải đặc biệt lưu ý đến những quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường phát triển bền vững của EU. Bên cạnh đó, DN Việt sẵn sàng bị đáp trả các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp nếu tập trung quá nhiều vào một thị trường, khiến một ngành của nước sở tại có nguy cơ bị cạnh tranh yếu. Do vậy, cần có chính sách xâm nhập thị trường phù hợp, tránh đổ bộ vào một thị trường hay một sản phẩm cụ thể. Ngoài những thị trường Việt Nam đã có như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, cần mở rộng thị trường sang các nước còn lại. Chưa kể, đối với các thị trường hiện tại, cần chuyển dần từ thị trường giá rẻ chất lượng trung bình sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao, giá cao để nâng cao giá trị gia tăng trong XK.
Trên thực tế, điểm mạnh và lợi thế của hàng Việt Nam là giá rẻ nhưng khi các cam kết được thực thi thì giá không còn được xem là thế mạnh của Việt Nam. Chính chất lượng và thương hiệu sản phẩm mới là yếu tố để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, DN cần so sánh tương quan sản phẩm thế mạnh của mình đem đi XK và sản phẩm của họ cần.
Một điểm ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) lưu ý các DN là nắm bắt lợi ích sát sườn với mình trong hiệp định, chỉ cần bắt đầu từ những việc rất đơn giản là mở Hiệp định ra xem những phần liên quan đến mình. Đó là các dòng thuế trực tiếp liên quan đến sản phẩm, dòng thuế sẽ giảm như thế nào, lộ trình ra sao, bao giờ được cắt giảm, cắt giảm bao nhiêu phần trăm để từ đó tính được giá thành sản phẩm và có sự chuẩn bị dài hạn để XK thành công.
theo solieuhaiquan