Các nhà sản xuất máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên phụ liệu dành cho sản phẩm giày, đồ da và thuộc da của Ý đã đến với Hội chợ - Triển lãm quốc tế Da & Giày Việt Nam 2018 (Shoes & Leather Vietnam 2018) nhằm tìm kiếm thêm khách hàng và đối tác ở Việt Nam.
|
Gian hàng quốc gia Ý tại vị trí trung tâm của Triển lãm quốc tế Da & Giày Việt Nam 2018 (Shoes & Leather Vietnam 2018). |
Tại sự kiện diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13-7 ở Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM, nhiều khách tham quan ấn tượng với gian hàng quốc gia Ý nằm ngay vị trí trung tâm của khu triển lãm với diện tích khá lớn. Trong đó, đáng chú ý là gian hàng của Comelz – đơn vị chuyên cung cấp máy móc và thiết bị phục vụ cho ngành sản xuất giày da các loại.
Ông Fabrizio Bellagamba, Giám đốc phụ trách vùng Viễn Đông (Far East Area Manager) của Comelz Italia, cho biết ngành sản xuất giày dép và đồ da ở Việt Nam đang phát triển nhanh và còn nhiều tiềm năng phát triển nên Comelz quyết định tham gia triển lãm này để mở rộng lượng khách hàng. Đây là lần thứ 8 liên tiếp Comelz tham gia sự kiện triển lãm này ở Việt Nam dù công ty đã mở showroom và trung tâm dịch vụ tại TPHCM và Hải Phòng.
Qua các kết quả thống kê, ông Fabrizio Bellagamba cho biết hoạt động kinh doanh của công ty tại thị trường Việt Nam đang tăng trưởng tốt, nhưng khách hàng chính vẫn là các nhà sản xuất giày da của nước ngoài như Đài Loan và Hàn Quốc đang có nhà máy tại Việt Nam. Chỉ riêng năm 2017, Comelz cung cấp khoảng 100 máy móc thiết bị tại thị trường Việt Nam, tăng 40% so với năm trước đó. Dự kiến năm nay, công ty sẽ cung cấp khoảng 140 sản phẩm máy móc và thiết bị tại thị trường này.
Bản báo cáo của Thương vụ Ý tại Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng rất cao về nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất giày da từ Ý.
Ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Ý tại Việt Nam, cho biết năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp giày, đồ da và thuộc da từ Ý đến các quốc gia khác khoảng 440 triệu euro, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, giá trị xuất khẩu máy móc và thiết bị cho ngành da giày từ Ý sang Việt Nam đạt hơn 30 triệu euro, tăng trưởng gấp đôi so với năm 2016, ông Lemma cho biết.
Với mức tăng trưởng ấn tượng nói trên, các doanh nghiệp hoạt động ngành này của Ý đang tăng cường tìm cơ hội và mở rộng thị trường ở Việt Nam. Ông Paolo Lemma cho biết bên cạnh Comelz, gian hàng quốc gia Ý tại Shoes & Leather Vietnam – 2018 còn có 25 doanh nghiệp khác nữa. Các doanh nghiệp này gồm Aeffe Machinery, Atom, Barnini - Mostardini, Bauce Tri.Ma, Camoga, Davos, Erretre, Escomar Italia, Ger Elettronica, Gozzini 1906 Turini Group, Gusbi Officina Meccanica, Intercom, Italprogetti, Lamebo, Mosconi, Officine Di Cartigliano, Officine Meccaniche Alpe, Pajusco Tecnologie, Revomec, Spraytech, Tecon, Wintech, Centralkimica, Dermacolor và Eurochem.
Gian hàng quốc gia này do Thương vụ Ý (ITA) phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất máy, thiết bị và công nghệ dành cho sản phẩm giày, đồ da và thuộc da của Ý (ASSOMAC) tổ chức thực hiện, dưới sự bảo trợ của Lãnh sự Quán Ý tại TPHCM.
Tại cuộc triển lãm này, 26 doanh nghiệp Ý gồm những nhà thiết kế và công ty giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các loại máy móc, thiết bị, công nghệ cho ngành giày, đồ da và thuộc da như máy đo, máy ép dập, máy cắt, máy khâu giày, máy hoàn tất, dây chuyền đồng bộ... và hoá chất dùng trong sản xuất da và giày sẽ trưng bày và giới thiệu những sản phẩm mang tính đột phá và sáng tạo với công nghệ mới nhất.
Ông Paolo Lemma, cho biết phần lớn các công ty tham gia triển lãm lần này đều đã có các nhà phân phối, đại lý hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm các cơ hội xa hơn tại thị trường đang phát triển này cũng như củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam và tìm kiếm thêm các đối tác mới.
Chủ tịch ASSOMAC, bà Gabriella Marchioni Bocca, cũng là trưởng đoàn doanh nghiệp Ý tham gia cuộc triển lãm lần này, nhận định trong những năm gần đây, các nhà cung ứng của Ý đã góp phần vào sự phát triển vượt bậc của ngành da giày Việt Nam.
“Thế mạnh của doanh nghiệp Ý không chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn là sự tuỳ biến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là những yếu tố giúp doanh nghiệp Ý cạnh tranh trên thị trường. Các nhà sản xuất thiết bị da giày của Ý luôn bám sát nhu cầu chi tiết của khách hàng nhằm tạo ra sản phẩm “ưng ý” nhất cho khách”, bà Gabriella Marchioni Bocca nói thêm. Năm 2017, Trung tâm Công nghệ Giày Ý - Việt đã được khánh thành tại tỉnh Bình Dương. Đây là kết quả của chương trình hợp tác giữa Thương vụ Ý, hiệp hội ASSOMAC và Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO)”.
Việt Nam hiện đã trở thành nước sản xuất giày lớn thứ ba và là nước xuất khẩu giày lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Có được sự thành công ngoài mong đợi này là nhờ vào nguồn đầu tư khổng lồ từ nội địa và nước ngoài vào lĩnh vực này, cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp da giày Việt Nam.
Các nhà cung cấp máy móc thiết bị và phụ kiện ngành này của các nước đánh giá Việt Nam đang có sức hút lớn để họ mang công nghệ, nguyên phụ liệu đến giới thiệu và tìm đối tác. Đáng chú ý, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến của các nhà sản xuất - gia công giày dép thế giới cũng như sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam của nhiều thương hiệu giày dép trên thế giới.
Sự dịch chuyển này là do các hãng một mặt muốn tận dụng lợi thế của Việt Nam từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại; mặt khác, muốn thoát khỏi mối đe dọa tăng chi phí sản xuất do giá nhân công và chi phí môi trường ở Trung Quốc tăng cao. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành “công xưởng” giày dép lớn trên thế giới. Gần đây, các hãng đặt hàng còn có thêm mối lo về khả năng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc.
Mỗi năm, các doanh nghiệp cung cấp máy móc thiết bị, công nghệ ngành da giày của Ý xuất khẩu hơn 75% sản lượng của họ đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt hơn 14 tỉ đô la/năm đang là một trong những thị trường khá hấp dẫn với các nhà cung cấp máy móc thiết bị đến từ Ý.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại trong năm 2017 đạt kim ngạch 14,65 tỉ đô la, tăng 12,7% so với năm trước đó, riêng sáu tháng đầu năm nay đạt 7,79 tỉ đô la. |