Doanh nghiệp da giầy gặp khó khăn vì không tìm được quỹ đất
Ngày đăng: 19/08/2015 13:28

Hiện nay, các doanh nghiệp ngành da giày đang phải đứng trước những thách thức không nhỏ về quỹ đất dành riêng cho sản xuất của ngành.

Địa phương nào cũng ngại cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất da giày, nhất là lĩnh vực thuộc da, bởi sợ ô nhiễm, trong khi lợi nhuận mang về đối với địa phương không nhiều.

Xây dựng các khu công nghiệp tập trung

Chia sẻ​ về những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất da giày trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bao năm nay ngành da giày thành phố kiến nghị với chính quyền địa phương, Hiệp hội, Bộ Công Thương h​ỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành có được một quỹ đất nhất định để làm cụm công nghiệp, ổn định sản xuất.

Nhưng thực tế, chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh là không cấp phép đối với những ngành nghề sản xuất dễ gây ảnh hưởng đến môi trường và sử dụng nhiều lao động.

Ông Khánh dẫn chứng cụ thể về trường hợp của Công ty cổ phần Thuộc da Hào Dương. Năm 2002, Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương thành lập Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) để di dời các nhà máy, công ty sản xuất các ngành hóa chất, vật liệu xây dựng, thuộc da... ở nội thành ra đây, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Công ty Hào Dương chấp hành chủ trương trên, đầu tư nhà máy thuộc da trong khu công nghiệp này từ 2005.

Nhưng đến 2011, thành phố thay đổi quy hoạch, chuyển toàn bộ khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp, đô thị. Thế là các doanh nghiệp nằm trong diện ô nhiễm mà chưa di dời ra đây sẽ không được cấp phép vào khu công nghiệp này nữa.

Công ty Hào Dương “đi trước đón đầu,” nhưng do sản xuất quá lớn, chưa đầu tư được hệ thống xử lý nước thải, chất thải hoàn chỉnh nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Qua rất nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, cuối năm 2013 thành phố buộc phải tạm ngưng hoạt động đối với nhà máy thuộc da của Công ty Hào Dương vì gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Cái bất cập ở đây là công tác quy hoạch và việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất đối với các doanh nghiệp sản xuất thuộc diện ô nhiễm. Các doanh nghiệp sẽ khó đầu tư vốn để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, ổn định sản xuất lâu dài vì thay đổi quy hoạch.

Năm 2009, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thuộc da Hưng Thái, nằm trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) cũng bị người dân phản ánh về việc gây ô nhiễm môi trường kéo dài.

Trước đó Công ty Hưng Thái được di dời về khu công nghiệp này từ quận 11 theo chủ trương của thành phố, nhưng khi dời về khu công nghiệp này thì lại không có khu xử lý chất thải, nước thải tập trung.

Doanh nghiệp phải tự đầu tư hệ thống xử lý môi trường, rồi tất cả đều xả thải ra hệ th​ống kênh rạch tự nhiên.

Do tính chất thuộc da rất ô nhiễm kể cả nước thải và khí thải, nên người dân sống quanh khu công nghiệp phản ứng dữ dội, mặc dù Sở Tài nguyên Môi trường xác nhận hoạt động thuộc da của Công ty Hưng Thái không ảnh hưởng nhiều đến môi trường như phản ảnh của người dân.

Cái khó của các doanh nghiệp sản xuất da giày vừa và nhỏ, đó là quỹ đất dành cho sản xuất, vốn đầu tư. Khi thành phố có chủ trương di dời đến khu công nghiệp ở ngoại thành, nhằm hạn chế ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, thì khu công nghiệp lại chưa có đủ các điều kiện đáp ứng cho các nhà máy sản xuất ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Bên cạnh đó là sự bùng nổ các khu dân cư xung quanh khu công nghiệp, khiến cho việc sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp mà vẫn không yên ổn. Công ty Hưng Thái là một ví dụ.

Ông Nguyễn Văn Khánh chia sẻ, thành phố không cấp phép mới, nhưng đối với các doanh nghiệp đã tồn tại lâu rồi thì cũng cần có chính sách hỗ trợ họ đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường. Xem xét thành lập một cụm công nghiệp dành riêng cho các nhà máy sản xuất gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường như ngành thuộc da, may mặc, dệt nhuộm để họ ổn định sản xuất.



Hướng tới tự chủ trong sản xuất

Nhiều năm nay ngành da giày đều có kiến nghị với Bộ Công Thương, trình Chính phủ cho thành lập các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung dành cho ngành sản xuất da giày.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, ban hành kèm theo Quyết định số 6209/QĐ-BCT ngày 25/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề ra một số định hướng, mục tiêu mà ngành da giày phải đạt được; trong đó có việc thành lập khu công nghiệp da giày.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp của ngành rất muốn có được nơi sản xuất tập trung, nhưng vấn đề tìm địa điểm để làm quy hoạch, trình Chính phủ thì rất khó khăn.

Đối với các ngành sản xuất khác, ít gây ô nhiễm môi trường thì các tỉnh họ ưu tiên, nhưng đối với sản xuất da giày thì nhiều địa phương họ e ngại.

Cái e ngại đó cũng dễ hiểu, bởi sản xuất da giày dễ có nguy cơ ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khác như nhà ở, trường học, y tế... mà địa phương phải giải quyết.

Trong hội nghị xúc tiến xuất khẩu ngành da giày năm 2015 giữa tháng 7 vừa qua, theo báo cáo của Hiệp hội da giày, túi xách thì tăng trưởng của ngành luôn ở mức trên 10%. Giá trị xuất khẩu của da giày năm 2014 đạt trên 10,5 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2015 giá trị xuất khẩu đạt trên 7,35 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2014.

Mặc dù có tổng giá trị xuất khẩu lớn (nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam), nhưng giá trị gia tăng của toàn ngành, nhất là đối với các doanh nghiệp trong nước lại thấp.

Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), hiện toàn ngành sản xuất da giày, túi xách có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 23%, nhưng lại đáp ứng 65% kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước chiếm 77%, nhưng chỉ chiếm có 35% kim ngạch xuất khẩu.

Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp trong nước sản xuất theo OBM và ODM, còn 70% các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất theo hình thức gia công nên đạt hiệu quả kinh tế không cao.

Vì sao phải gia công​? Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế thì​ các doanh nghiệp trong ngành da giày vốn được hình thành trên cơ sở gia công cho các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hàn Quốc nhiều năm rồi. Nay muốn chuyển sang tự chủ sản xuất thì các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng thương hiệu riêng cho mình, giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, tiến tới không phụ thuộc vào sản xuất và thị trường.

Làm được như thế thì các doanh nghiệp trong nước sẽ không còn bị chỉ định phải lấy nguyên phụ liệu sản xuất, cũng như sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu nữa. Vấn đề xây dựng thương hiệu giày dép Việt Nam và hình thành các khu công nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ cho ngành da giày vẫn là quan trọng nhất, để giảm nhập khẩu từ nước ngoài.

Ai cũng hiểu khi Việt Nam chính thức tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU)-EVFTA, với Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP... thì nhiều mặt hàng của ​Việt Nam sẽ được ưu đại thuế quan bằng 0%, trong đó các sản phẩm da giày khi xuất khẩu vào các thị trường này sẽ được ưu đãi lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm nhập khẩu nguyên liệu phụ trợ từ nước ngoài, làm tăng giá trị xuất khẩu da giày Việt Nam, thì nhất định cần phải xây dựng các cụm, khu công nghiệp tập trung dành cho da giày để họ chủ động đầu tư thương hiệu và sản xuất nguyên liệu phụ trợ./.

vietnamplus