Muốn hưởng lợi từ FTAs phải nắm vững các quy tắc xuất xứ
Ngày đăng: 23/10/2015 12:15

Để tận dụng được ưu đãi thuế quan mà các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mang lại, các DN xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ được các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa.

   

Thời gian gần đây, Việt Nam đã và đang tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTAs). Khi các FTAs chính thức có hiệu lực, thuế suất các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được giảm rất nhiều hoặc về 0%, tạo điều kiện cho các DN nâng cao được năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quan Phúc, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (XNK) khu vực TPHCM, Cục XNK Bộ Công Thương cho biết, tỷ lệ các DN Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế quan nhờ đáp ứng đầy đủ các quy định về quy tắc xuất xứ sang các nước ASEAN lần lượt là 29% năm 2013 và giảm xuống còn 25% trong năm 2014. Trong khi thị trường Nhật Bản giảm từ mức 35,8% năm 2013 xuống còn 33,7% năm 2014; thị trường Trung Quốc giảm từ 35,9% năm 2013 xuống còn 33% năm 2014; thị trường Ấn Độ năm 2013 là 33% tới năm 2014 chỉ còn 30,6%...

Riêng chỉ có thị trường Hàn Quốc là các DN Việt Nam tận dụng được rất tốt các quy tắc xuất xứ để hưởng thuế quan ưu đãi, tỷ lệ được hưởng ưu đãi lần lượt là 84,2% năm 2013 và năm 2014 là 85%.

Theo ông Phúc, mỗi thị trường có những quy định riêng về quy tắc xuất xứ cho các mặt hàng nhập khẩu, không còn cách nào khác, các DN Việt Nam muốn được hưởng các ưu đãi thuế quan thì phải nghiên cứu kỹ các quy tắc xuất xứ áp dụng cho mỗi thị trường xuất khẩu mục tiêu để có thể đáp ứng tốt các quy định này.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng lưu ý tới các DN phải tính toán sao cho nguyên liệu nhập về để sản xuất,  xuất khẩu, phải đảm bảo đáp ứng được các quy tắc xuất xứ mà nước nhập khẩu quy định. Chẳng hạn, khi nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu từ một nước trong khối ASEAN, các DN cần lấy đầy đủ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để khi hàng xuất qua Nhật Bản, DN có thể được cộng gộp hàm lượng xuất xứ, tức ngoài hàm lượng hàng hóa sản xuất trong nước còn được tính gộp thêm cả hàm lượng sản xuất của nước trong khối ASEAN.

Đồng thời, các DN cũng cần chú ý trong quá trình vận chuyển, không được làm mất đi tính chất của hàng hóa có xuất xứ, về nguyên tắc việc vận chuyển phải thỏa mãn tiêu chuẩn xếp dỡ, vận chuyển cần thiết…

Liên quan đến tận dụng cơ hội từ TPP đối với ngành dệt may, ông Yoshitaka Kurihara, chuyên gia tư vấn đầu tư Văn phòng JETRO tại TPHCM cho biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 3 dự án đầu tư mới vào lĩnh vực sợi của Việt Nam với tổng mức đầu tư trên 1,1 tỉ USD. Ngoài ra còn có một dự án đầu tư mở rộng vào lĩnh vực này từ một DN Hồng Kông với số vốn mở rộng trên 90 triệu USD.

Ông Yoshitaka Kurihara cũng cho biết, đối với các DN Nhật Bản sản xuất ô tô tại Bắc Mỹ (Mexico, Hoa Kỳ, Canada) có khả năng sẽ tăng xuất khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan cho hàng linh kiện sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, đối với ô tô lắp ráp hoàn thiện có chứng nhận xuất xứ từ Nhật sang Mỹ có yêu cầu bắt buộc là phải sử dụng trên 55% nguyên liệu của quốc gia thành viên, điều này sẽ làm gia tăng giá trị cho các xưởng sản xuất Việt Nam.

Nguồn: vietnamplus.vn