Những tháng cuối năm 2015, các doanh nghiệp (DN) sản xuất các mặt hàng da giày xuất khẩu đang khẩn trương hoàn thành các đơn hàng lớn. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại đạt khoảng 10 tỷ USD và dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2015 khoảng 14 - 15 tỷ USD.
Nhiều DN ngành này cũng đã ký xong hợp đồng sản xuất đến cuối quý I-2016. Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng, dự báo ngành da giày sẽ có thêm nhiều cơ hội mới, nhưng cũng phải đương đầu với không ít thách thức…
Cùng với dệt may, da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP Hồ Chí Minh nói riêng và của nước ta nói chung.
Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ hai cung ứng các mặt hàng da giày vào thị trường Hoa Kỳ, chiếm 13,8% thị phần nước này. Khi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu hàng da giày sang Hoa Kỳ, châu Âu có thể rộng mở hơn nhiều bởi các dòng thuế nhập khẩu các mặt hàng này từ 3,5 đến hơn 57,4% sẽ giảm còn 0%.
Những tháng cuối năm 2015, các cơ sở sản xuất da giày xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh đôn đáo, ngược xuôi lo chạy vốn, mặt bằng để mở rộng sản xuất để đón những đơn hàng lớn.
Vất vả nhưng phấn khởi, tuy nhiên điều băn khoăn nhất của nhiều DN da giày là lâu nay thường làm theo chỉ định của nước ngoài. Hiện nay, hơn 65% số DN da giày trên địa bàn thành phố sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, kiểu dáng thiết kế do khách hàng cung cấp và gắn nhãn hiệu sản phẩm theo yêu cầu của nước ngoài. Chỉ có gần 30% số DN còn lại là sản xuất theo phương thức tự thiết kế mẫu mã sản phẩm, tự mua nguyên liệu, sản xuất với thương hiệu riêng. Khi các Hiệp định thương mại đã và đang ký kết có hiệu lực, ngành da giày sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc giảm thuế xuất khẩu, nhưng với việc phụ thuộc hoàn toàn về nguyên liệu, phụ liệu, nhiều DN da giày ở thành phố khó có thể bảo đảm được yêu cầu nguồn gốc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi thuế suất.
Phát triển nguồn nguyên liệu, phụ liệu có sẵn trong nước là cách duy nhất để các DN da giày Việt Nam có thể tận dụng cao nhất lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do. Nhưng thực tế hoạt động sản xuất của các DN da giày hiện nay khó có thể phát triển mạnh do quy mô sản xuất quá nhỏ. Hiện tại, chỉ có 12% số DN da giày có quy mô sản xuất lớn; DN vừa và nhỏ chiếm đến hơn 55%; 33% còn lại là DN siêu nhỏ. Ngoài ra, DN da giày cũng khó có thể phát triển nhà máy sản xuất nguyên liệu thuộc da do vướng vào tiêu chuẩn môi trường, cần có nguồn vốn lớn. Chỉ tính riêng cho hồ xử lý chất thải 1.000 m3 phải cần đến 20 tỷ đồng, trong khi một dự án thuộc da phải cần hồ xử lý từ 3.000 đến 5.000 m3 , tức là cần khoảng 60-100 tỷ đồng, chưa kể nhiều hạng mục khác. Để hạn chế ô nhiễm môi trường khi đầu tư thuộc da, nhiều tỉnh, thành phố không đồng ý cấp đất cho DN da giày làm dự án. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến nay, thuộc da là một trong 17 ngành nghề hạn chế cấp phép đầu tư.
Giá cả “đầu vào” cũng là “nỗi niềm tâm tư” của nhiều cơ sở sản xuất da giày. Nhiều chủ cơ sở cho biết, khoảng 80-100% nguyên liệu, phụ liệu da, thuộc da, đế, khóa đến các loại hóa chất và cao-su tổng hợp nguyên sinh làm da giày đều phải nhập ngoại khiến cho giá thành ngành da giày trong nước luôn ở mức cao. Thông thường, đơn hàng càng lớn thì giá thành sản xuất càng giảm, nhưng thực tiễn sản xuất ở thành phố cho thấy, do các yếu tố đầu vào (điện, nước, xăng, dầu, lương, phí…) chủ yếu biến động tăng, cho nên DN ngại những đơn hàng lớn. Có đơn hàng không thể không ký (để ổn định đời sống công nhân và duy trì sản xuất), nhưng ký xong lại lo lắng, đôn đáo, ngược xuôi vì lo không thực hiện được đơn hàng. Hiện nay, nhiều đơn hàng lớn dồn dập đổ về nhưng DN không dám mở rộng mặt bằng sản xuất vì thiếu vốn. Các DN cũng cho biết, lãi suất vay ngân hàng hiện ở mức cao khiến DN không an tâm vay vốn sản xuất.
Để giúp DN da giày yên tâm sản xuất, nhiều DN trong ngành kiến nghị Chính phủ sớm có quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, từng bước hình thành khu công nghiệp tập trung có hạ tầng hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải hoàn thiện. Các ngành chức năng cần xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường rõ ràng cũng như xử phạt nghiêm minh giúp DN ngành da giày ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Vùng nguyên liệu cần đặt cuối nguồn nước để giảm thấp nhất các tác hại ảnh hưởng đến môi trường. Sớm giải tỏa tâm lý e ngại của các nhà đầu tư mong muốn tham gia vào lĩnh vực này.
Thời gian tới, rất mong các ngành chức năng khẩn trương, tích cực vào cuộc để gỡ khó cho ngành da giày nói riêng và các ngành sản xuất khác của nước ta nói chung, để các DN có cơ hội tăng trưởng bền vững khi bước vào những “sân chơi” lớn trên thị trường quốc tế.
Nguồn: Báo Nhân Dân