Được biết, qua công tác kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Đồng Nai đang gặp một số vướng mắc liên quan đến việc xử phạt DN về các hành vi vi phạm tại Điểm d, Điểm e, Điểm g Điều 8 Nghị định 127. Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, việc kiểm tra định mức thực tế đối với DN gia công, sản xuất XK rất phức tạp, một số trường hợp dẫn đến khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất đặc biệt là đối với sản phẩm giày da, dệt may, hóa chất… Do đó, trong quá trình kiểm tra sau thông quan Hải quan Đồng Nai đã tập trung vào công tác kiểm tra cân đối xuất-nhập-tồn. Việc không tiến hành kiểm tra định mức dẫn đến chưa có đủ cơ sở pháp lý để xử phạt DN về hành vi: Lập và khai không đúng. Do đó theo nguyên tắc xử phạt theo quy định thì để xử phạt DN về hành vi này, cơ quan Hải quan có nghĩa vụ chứng minh DN đã “lập và khai không đúng các nội dung gì và trong hồ sơ quyết toán thuế, hồ sơ thanh khoản, hồ sơ hoàn thuế, hồ sơ xét miễn, giảm thuế, hoàn thuế cụ thể nào”.
Tuy nhiên, tại các thời điểm kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế, hồ sơ thanh khoản, hồ sơ miễn thuế, hồ sơ xét miễn, giảm thuế, hoàn thuế cụ thể trước đó của DN cơ quan Hải quan đã không phát hiện DN có hành vi vi phạm hoặc nếu có hành vi vi phạm về lập và khai không đúng các nội dung thì đã tiến hành lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định. Theo Cục Hải quan Đồng Nai, thực tế qua kiểm tra sau thông quan, các đoàn kiểm tra không thể xác định được các nội dung sai này liên quan đến tờ khai cụ thể nào, hồ sơ cụ thể nào để làm cơ sở pháp lý xử phạt DN về hành vi này. Cũng theo Hải quan Đồng Nai, hiện tại chưa có quy định pháp luật cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của DN phải thông báo, khai hoặc khai bổ sung cho cơ quan Hải quan khi kết quả kiểm kê thực tế hàng tồn kho của DN khác với số liệu theo khai báo của DN quản lý tại cơ quan Hải quan. Mặt khác việc xác định thời điểm thực hiện hành vi vi phạm không khai hoặc khai sai khác trong trường hợp này là rất khó khăn vì đây là mốc thời gian quan trọng trong việc xác định văn bản áp dụng, xét thời hiệu, xem xét về tình chất, mức độ của hành vi vi phạm. Do đó, Hải quan Đồng Nai cho rằng, nếu lập biên bản vi phạm thì cũng không thể xác định được văn bản nội dung cần áp dụng, cũng như về các điều, khoản cụ thể để ghi trên biên bản vi phạm làm cơ sở pháp lý để xử phạt DN về hành vi không khai hoặc khai sai khác làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn. Đồng thời, cũng không có cơ sở để xác định văn bản áp dụng, xét thời hiệu, xem xét về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Do vậy, quan điểm mà Cục Hải quan Đồng Nai đưa ra cho trường hợp này là chưa đủ cơ sở pháp lý (về nội dung, chế tài xử phạt) để lập và xử lý DN về các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 8 Nghị định 127. Trước vướng mắc của Cục Hải quan Đồng Nai, Tổng cục Hải quan cho rằng, căn cứ Khoản 3, Điều 25 và Khoản 3, Điều 37 Nghị định 08/2015/NĐ-CP; Khoản 7, Điều 59 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì tổ chức, cá nhân NK hàng hóa để gia công, sản xuất hàng hóa XK phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức thực tế sản xuất sản phẩm XK, số liệu báo cáo quyết toán và tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK. Trường hợp xác định có sự chênh lệch số liệu tồn kho do DN khai, quyết toán với cơ quan Hải quan với số liệu tồn kho trên cơ sở kiểm kê thực tế là thể hiện DN đã có hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử phạt. Cũng tại Khoản 2, Điều 59 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì kiểm tra về tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa XK, cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm tra báo cáo quyết toán, chứng từ kế toán, sổ kế toán, định mức sản phẩm XK…
Do vậy, cơ quan Hải quan phải thực hiện việc kiểm tra đúng quy định để xác định nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giữa số tồn kho thực tế và số liệu DN báo cáo quyết toán, từ đó xử lý theo quy định. Tổng cục Hải quan cho biết, để có cơ sở xem xét xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp nêu trên phải dựa trên hồ sơ vụ việc cụ thể, xác định nguyên nhân của việc chênh lệch đó xuất phát từ hành vi vi phạm nào của DN. Trường hợp có đủ cơ sở xác định DN có hành vi cố ý sử dụng hàng hóa không đúng mục đích mà không khai báo thì xem xét xử phạt theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 13 Nghị định 127. Trường hợp có hành vi vi phạm về khai thuế mà không phải là trốn thuế, gian lận thuế thì xem xét xử phạt theo Điều 8 Nghị định 127.
Nguồn: baohaiquan.vn