- Theo anh các startup hiện nay đang thiếu những gì?
Tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi nhận thấy rằng, ở Việt Nam hiện nay, phong trào khởi nghiệp đang rất “hot”. Tuy nhiên, dù rất đáng mừng, nhưng cũng phải nói thật rằng, khởi nghiệp ở ta cũng vẫn mang tính phong trào. Chưa có nhiều startup thực sự và tỷ lệ thành công cũng không cao. Điều này được lý giải là do các bạn trẻ mơ hồ về khởi nghiệp, từ ý tưởng tới kinh nghiệm quản trị và điều hành startup của mình. Đồng thời kiến thức về tài chính hạn chế khiến cho các bạn không có sự rõ ràng minh bạch trong quản trị tài chính ngay từ đầu, tôi không nói đến sự gian lận nhưng có rất nhiều sự sai sót, không chính xác khiến việc phát triển trở nên khó khăn.
- Ngoài yếu tố về môi trường kinh doanh thông thoáng và đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, điều gì anh cho rằng Việt Nam nên làm ngay vào lúc này?
Chúng ta biết rằng startup là cái gì đó rất mới, có thể mô hình kinh doanh đó chưa từng có trong quá khứ và nó có thể chưa được luật pháp chi phối. Có thể thấy rằng Grab khi vào Việt Nam cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa xác định được là họ là doanh nghiệp công nghệ hay là doanh nghiệp vận tải. Nên tôi cho rằng cần phải có một cơ quan chuyên trách dạng một cửa và hỗ trợ cho các bạn trẻ làm startup. Các bạn trẻ có thể đến cơ quan này, nói rằng tôi có mô hình như thế và cấp phép cho nó hoạt động, sau một thời gian khi nó đến một mức doanh số hay lợi nhuận nào đó thì chúng ta mới tính toán đến chuyện áp nó vào mô hình nào để kiểm soát. Điều này sẽ tạo cho giới startup sự tự tin, tìm tòi khám phá, thử nghiệm cái mới mà không lo sợ vấn đề luật pháp hay bị quy kết vi phạm pháp luật.
- Được biết anh sẽ tham dự diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng nhất thế giới tại Pháp trong những ngày tới, và chủ đề của diễn đàn năm nay là “Nâng tầm thương hiệu Việt Nam”. Theo anh thì startup đóng vai trò gì trong việc nâng cao hình ảnh thương hiệu quốc gia?
Tôi nghĩ đây là một cơ hội rất lớn để Việt Nam chúng ta có thể thúc đẩy giới startup, nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia. Có lẽ sẽ không còn nhiều cơ hội cho các thương hiệu truyền thống nữa, những thương hiệu lớn đã phải mất vài chục năm thậm chí hàng trăm năm để có thể nổi tiếng, tuy nhiên trong lĩnh vực công nghệ thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, khoảng 10 năm thôi chúng ta đã thấy Google, Facebook, Amazon, Alibaba… đã trở thành một “đế chế” rồi. Đó chính là cơ hội thực sự cho Việt Nam chúng ta để có thể vươn lên, để thế giới có thể nhìn vào. Cái người ta gọi là đi tắt đón đầu chính là đây, không phải đâu xa cả. Vì công nghệ thì rất đột biến, và nó có khả năng vượt qua rào cản về địa lý, không gian và làm đảo lộn những mô hình kinh doanh truyền thống sẵn có.
Tôi nghĩ nếu chúng ta có một tư duy hướng về các startup hướng tới toàn cầu hóa chứ không chỉ là thị trường trong nước thì đây là một cơ hội cho Việt Nam có được những tên tuổi lớn khẳng định với thế giới.
Diễn đàn người Việt toàn cầu là một ý tưởng rất hay vì chúng tôi sẽ gặp tất cả các bạn đến từ nhiều nước trên thế giới và có thể lập ra một “think tank”, nơi mà chúng ta có thể khai thác nhiều ý tưởng toàn cầu về việc làm thay đổi các mô hình kinh doanh ở Việt Nam.
- Xin cảm ơn anh!
Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) lần thứ nhất do Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức vào ngày 30-31.3 tới tại Pháp, dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao.
|