Một cái lắc đầu của lãnh đạo hay sự thờ ơ của công chức có thể tước đi cơ hội của doanh nghiệp là điều khiến vị đại biểu, đồng thời là doanh nhân trăn trở trong bối cảnh cánh cửa hội nhập đã cận kề.
Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay (2/11), đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đồng thời cũng là một doanh nhân chia sẻ về sức nóng của quá trình hội nhập và những thách thức Việt Nam phải đối mặt.
Theo ông, 5 năm qua, Việt Nam phải sống trong những cung bậc cảm xúc khác nhau, khởi đầu là nỗi sợ hãi về sự bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng đến cuối nhiệm kỳ đã tạm hài lòng khi tình hình ổn định hơn, nỗi bất an về sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng được gia cố, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn bong bóng… Bước vào giai đoạn mới, vị doanh nhân này nhận định mọi cảm xúc sẽ hướng về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Sức nóng TPP đang phả vào gáy, nếu không tận dụng cơ hội thì kinh tế Việt Nam, vốn yếu nhất trong 12 quốc gia tham gia hiệp định sẽ bị đánh chiếm bởi những tập đoàn viễn chinh nước ngoài hùng mạnh. Chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”, ông nói.
Nhớ lại 9 năm trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), ông Tâm - lúc đó còn là cử tri được nghe rất nhiều phát biểu lạc quan rằng Việt Nam có thể sớm hóa rồng, hóa hổ, nhưng thực tế lại phải trải qua những cơn sóng lớn, đến nay vẫn phải nghe hoài điệp khúc được mùa mất giá, cá tra, tôm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá… Nguyên nhân chủ yếu vẫn do những yếu kém bên trong. Ngay đến doanh nghiệp, đội quân tiên phong tham gia hội nhập vẫn chưa thể nắm thông tin về những hiệp định thương mại tự do, trình độ ngoại ngữ yếu kém… cũng là mối lo.
Thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu cũng gây cản trở. "Một cái lắc đầu của ông lãnh đạo, một sự chậm trễ của anh công chức bình thường cũng tước đi cơ hội của doanh nghiệp", vị này phản ánh. Sự cát cứ của các địa phương vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, như mới đây một tỉnh đã có văn bản yêu cầu phải dùng bia của một doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Khắc Tâm bày tỏ nỗi xót xa khi các thành viên hăng say đàm phán những doanh nghiệp lại thờ ơ, còn bộ máy công chức thì vô cảm, không thể biến những lợi thế, cơ hội thành đơn hàng, việc làm cho người dân. Do đó, ông đề xuất phải cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, loại bỏ những cán bộ công chức nhũng nhiễu để tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.
Phương Linh - Quang Dũng