Dệt may Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ TPP - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
May mặc, giày dép, hải sản phát triển vượt bậc
Seeking Alpha nhận định rằng Việt Nam sẽ giành được nguồn kích thích tăng trưởng kinh tế cực kỳ mạnh mẽ sau khi TPP bắt đầu có hiệu lực.
“Ngành may mặc Việt Nam chiếm phần đáng kể nhất trong tăng trưởng của cả nước. Nhờ TPP mở đường cho quần áo Việt Nam vào Mỹ với mức thuế 0%, lượng quần áo và giày dép xuất khẩu từ Việt Nam qua Mỹ có thể sẽ tăng mạnh đến 50% trong 10 năm tới”, trang tin tài chính Mỹ cho hay.
Chi phí lao động thấp và được duy trì ở mức ổn định trong thời gian dài của Việt Nam sẽ càng khiến có thêm nhiều doanh nghiệp quốc tế rời Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam, theo Seeking Alpha.
Ngoài may mặc, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như tôm, mực và cá ngừ sẽ được hưởng mức cắt giảm thuế nhập khẩu từ 6,4-7,2% xuống còn 0%. “Điều này sẽ làm hồi sinh mảng xuất khẩu thủy hải sản, ngành công nghiệp từng là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam”, trang tin Mỹ bình luận.
Seeking Alpha còn dự đoán khoảng 2,5 triệu việc làm sẽ được tạo ra trong vòng 10 năm tới tại Việt Nam nhờ TPP.
“Khi mà con đường lát vàng để đi đến thịnh vượng đã mở ra trước mắt, Việt Nam đang hy vọng việc gia nhập TPP sẽ là bệ phóng để đẩy nền kinh tế này thành điểm sáng tại châu Á”, Seeking Alpha kết luận.
Vẫn tồn tại nguy cơ từ TPP
Ngành chăn nuôi Việt Nam có thể phải chịu cạnh tranh khốc liệt từ các cường quốc TPP - Ảnh: K.C - L.L
|
Seeking Alpha nhận xét TPP sẽ giúp củng cố thêm nền kinh tế vốn vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt (trên mức 6%) của Việt Nam, đồng thời giúp kinh tế Việt Nam tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Việt Nam nên xem xét các nguy cơ có thể phát sinh từ TPP trước khi đưa ra tuyên bố hiệp định này là một thành tựu, trang tin Mỹ cảnh báo.
“Về cơ bản, Việt Nam cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của TPP về xuất xứ nguyên vật liệu dùng cho ngành may mặc trong nước; hay nói cách khác, sợi dùng cho dệt may Việt Nam cần được giảm thuế nhập khẩu và không nên đến từ các nước không thuộc TPP”, theo phân tích của Seeking Alpha.
“Thay vì tiếp tục nhập đến 90% nguyên vật liệu, Việt Nam giờ nên đảm bảo nguồn cung nội địa. Bằng cách đó, ngành công nghiệp may mặc Việt Nam mới có thể hưởng lợi từ quy định nghiêm ngặt nói trên”, trang tin Mỹ cho biết.
Mặt khác, trồng trọt và chăn nuôi gia súc của Việt Nam có thể sẽ chật vật khi phải đối mặt với cuộc cạnh tranh toàn cầu từ TPP. Các nước có ngành nông nghiệp phát triển vượt trội hơn sẽ đẩy Việt Nam ra khỏi thị trường xuất khẩu thế giới.
Thuế nhập khẩu dành cho các loại thuốc mới cũng sẽ bị cắt từ mức trung bình 2,5% xuống 0%, do đó có thể sẽ có tình trạng độc quyền đối với các sản phẩm dược ngoại nhập khi mà Việt Nam phải chờ nhiều năm mới được nhượng quyền sản xuất các loại thuốc này.
Hoàng Uy