Doanh nghiệp cơ khí mắc kẹt giữa bài toán vốn - thị trường
Ngày đăng: 12/11/2015 09:43

Bất cập trong cơ chế, chính sách hỗ trợ, lựa chọn đầu tư sản phẩm thiếu trọng tâm... khiến không ít doanh nghiệp lo ngại sẽ mất thị trường ngay trên chính sân nhà.

Là một trong số ít những doanh nghiệp cơ khí dám bỏ vốn, công sức thực hiện những sản phẩm cơ khí trọng tải vài nghìn tấn, phục vụ các công trình thủy điện, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Quang Trung - Nguyễn Tăng Cường cho biết ông "chịu chơi" không chỉ bởi tâm huyết mà còn bởi mong muốn đón đầu các chính sách trong chiến lược phát triển ngành.

Tuy nhiên, sau nhiều năm trải nghiệm thực tế, vị này than thở rằng bắt đầu "thấy nản". Chia sẻ tại hội thảo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam diễn ra đầu tuần này, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng dù thông cảm với nguồn lực Nhà nước có hạn, việc phải chật vật tìm vốn bên ngoài là bài toán khó với doanh nghiệp

"Chúng tôi đã mất 30-40 lần đi lại chỉ để chỉnh sửa hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng. Một dự án mà mất đến vài năm chỉ để hoàn thiện thủ tục vay vốn thì cơ hội đầu tư không thể đợi doanh nghiệp", vị này bức xúc.

Theo báo cáo của Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), sản xuất kinh doanh của ngành cơ khí được đánh giá là năm sau cao hơn năm trước, nhưng hiện khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước (đến năm 2014) mới đạt trên 32% - thấp hơn mục tiêu của Chiến lược đề ra là 40-50%. Giá trị xuất khẩu ngành vượt chỉ tiêu song giá trị nhập khẩu cũng lên hơn 26 tỷ USD, cao gấp hai lần giá trị xuất khẩu.

doanh-nghiep-co-khi-mac-ket-giua-bai-toan-von-thi-truong

Các doanh nghiệp cơ khí cho rằng nếu Bộ Công Thương không thay đổi cơ chế chính sách thì vị thế của ngành sẽ tiếp tục tụt giảm.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho rằng do chính sách hỗ trợ ngành chưa xác định đúng trọng tâm lĩnh vực cần đầu tư, dẫn đến bất cập trong việc triển khai các mục tiêu đề ra. Ông này cho rằng, cơ khí cũng cần phân biệt 2 loại hàng hóa, một là vận hành theo thị trường và một là cần có sự "bàn tay" nâng đỡ của Nhà nước.

"Như lĩnh vực cơ khí thủy công, thay vì lãi suất thấp thì nên tặng cho doanh nghiệp thị trường để họ có thể phát triển. Thực tế hầu hết các đơn vị của ngành này đều có thể đầu tư lớn để tự phát triển mà không cần một đồng vốn của Nhà nước", ông nói. Tuy nhiên, với một số sản phẩm liên quan đến công nghiệp hạt nhân, hóa chất…, giá trị hợp đồng có khi lên đến vài chục tỷ USD, rõ ràng cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý để giành lấy thị trường, bởi tự thân các doanh nghiệp không đủ sức để tìm kiếm.

Theo vị này, việc đa dạng hóa nguồn vốn cho doanh nghiệp đặt ra lúc này có thể là thừa bởi khi có thị trường đương nhiên các doanh nghiệp sẽ tự đầu tư. Thực tế, đang có khá nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ thiết khế khuôn đều tự bỏ tiền đầu tư mà trông chờ Nhà nước mua cho phần mềm hay đào tạo nhân sự.

"Một khi doanh nghiệp làm chủ công nghệ, thiết kế được dây chuyển, nhà máy và thiết bị thì các thành phần khác trong xã hội tự khắc sẽ chạy theo để đầu tư", ông cho biết.

Đồng tình quan điểm, ông Cường cho rằng để sản  xuất ra một sản phẩm cơ khí có thể thương mại hóa, cần trải qua 7 bước bắt buộc gồm: thiết kế chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, nhiệt luyện, lắp ráp, thử nghiệm xuất xưởng. Song, ở Việt Nam mới có khâu lắp ráp, những khâu còn lại không được quan tâm. "Nguồn lực có hạn thì nên đầu tư trọng điểm. Nếu không tập trung đầu tư vào 7 lĩnh vực này, không tạo ra thị trường và cơ chế hấp dẫn thì ngành không bao giờ thành công", ông bày tỏ.

Quan tâm đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - Trần Văn Quang cũng cho rằng, lúc này, doanh nghiệp cần nhất thị trường. "Nếu không có thị trường dù doanh nghiệp có tiền đầu tư sớm muộn cũng phá sản hoặc không muốn đầu tư", ông nói.

Thực tế, theo ông, trong khi khá nhiều sản phẩm các doanh nghiệp nội địa tự sản xuất song thời gian qua các mặt hàng cùng loại vẫn được nhập khẩu ồ ạt về nước. Một phần có thể do năng lực của các đơn vị sản xuất không đồng đều, nhưng ông cho rằng điều đó không có nghĩa sản phẩm nội địa phải chịu lép vế trước hàng ngoại nhập. Do đó, vị này cho rằng phải đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc doanh nghiệp khi nhập khẩu các sản phẩm, nếu trong nước đạt chuẩn thì cương quyết không cho phép nhập.

"Chế tài phải quyết liệt doanh nghiệp cơ khí mới có thị trường. Chúng ta xuất phát điểm đã thấp trong khi phải cạnh tranh với các nước phát triển lại có chính sách thuận lợi hơn thì chắc chắn Việt Nam sẽ thua, thậm chí thua ngay trên sân nhà", ông bày tỏ.

Thừa nhận ngành cơ khí Việt Nam đang ở vị trí thấp trong nền kinh tế và còn nhiều hạn chế, song Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Trương Thanh Hoài cho rằng lúc này, quan trọng nhất vẫn là bài toán thị trường cho toàn ngành.

Theo ông, cơ khí là lĩnh vực cần vốn đầu tư lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Thời gian qua, sự phát triển của ngành đã gặp một số trở ngại xuất phát từ các yếu tố vĩ mô. Dù so với thời điểm trước khi gia nhập WTO, ngành đã có sự tăng trưởng song nếu so với nhiều quốc gia thì dung lượng thị trường vẫn còn quá bé. Đây được xem là vấn đề mấu chốt khiến ngành chưa thể phát triển như kế hoạch.

Thời gian tới, thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam với các đối tác, vị này kỳ vọng thị trường được mở rộng, nhờ đó dung lượng các sản phẩm cơ khí cũng sẽ tăng lên đáng kể, đồng nghĩa với các doanh nghiệp cơ khí sẽ có cơ hội để phát triển.

Thành Tâm