1. Hướng dẫn vay vốn mua nhà ở xã hội
Từ ngày 10/12/2015, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở.
- Có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.
- Có đủ hồ sơ chứng minh theo Điều 22 Nghị định này.
- Có nguồn thu nhập và có khả năng trả nợ.
- Có Giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi tại ngân hàng khác.
- Có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư.
- Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay.
Mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Thời hạn vay tối thiểu 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Nghị định 100/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 188/2013/NĐ-CP.
2. Một số điều cần lưu ý về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư.
Theo đó, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải đảm bảo tuân theo các nguyên tắc sau:
- Phải được triển khai thực hiện theo dự án, không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà (trừ trường hợp chung cư độc lập), đảm bảo phù hợp với yêu cầu tại Khoản 3 Điều 112 Luật nhà ở.
- Mỗi khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại có thể triển khai một hoặc nhiều dự án phù hợp với quy hoạch đô thị do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã được ban hành.
- Nếu chủ sở hữu nhà chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà 01 căn hộ chung cư cũ có từ 02 sổ hộ khẩu trở lên thì ngoài phần diện tích nhà ở mới được bố trí theo quy định, chủ sở hữu được ưu tiên mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm theo giá kinh doanh do chủ đầu tư dự án và chủ sở hữu thỏa thuận…
Nghị định 101/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và thay thế Nghị định 34/2007/NĐ-CP.
3. Tổng hợp điểm mới Thông tư 152/2015/TT-BTC về thuế tài nguyên
Theo Công văn 4554/TCT-CS ngày 03/11/2015, Thông tư 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên có các điểm mới như sau:
- Về đối tượng chịu thuế:
Bổ sung đối tượng không chịu thuế tài nguyên gồm: Nước thiên nhiên dùng cho nông – lâm – ngư nghiệp và diêm nghiệp, nước biển để làm mát máy; yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.
- Về người nộp thuế:
Bỏ quy định về việc kê khai, nộp thay thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức cá nhân làm đầu mối thu mua.
- Về sản lượng tính thuế tài nguyên:
Bổ sung cách xác định sản lượng tính thuế tài nguyên trong trường hợp không xác định được số lượng, trọng lượng, hoặc khối lượng thực tế của tài nguyên khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau và được bán ra sau khi sàng tuyển.
- Về giá tính thuế tài nguyên:
Bổ sung giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (bán trong nước hoặc xuất khẩu).
Xem chi tiết tại Công văn 4554/TCT-CS ngày 03/11/2015.
4. Giảm giá vé tàu thủy cho người cao tuổi từ 01/01/2016
Quy định này được đề cập tại Thông tư 59/2015/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 80/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa.
Theo đó, các đối tượng sau được miễn, giảm giá vé tàu thủy:
- Trẻ em dưới 01 tuổi được miễn vé nhưng phải ngồi chung với hành khách đi kèm.
Khi lên tàu phải xuất trình Giấy khai sinh của trẻ em để được miễn vé.
- Người cao tuổi được giảm tối thiểu 15% giá vé.
Khi mua vé phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hay giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người cao tuổi để được giảm giá vé.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 25% giá vé.
Khi mua vé phải xuất trình giấy xác nhận khuyết tật để được giảm giá vé.
Ngoài các đối tượng nêu trên, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa căn cứ quy định pháp luật để quy định mức miễn, giảm giá vé cho hành khách.
Xem chi tiết tại Thông tư 59/2015/TT-BGTVT .
5. 3 loại phụ cấp dành cho nhà giáo dạy nghề công lập
Từ ngày 01/01/2016, Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có hiệu lực.
Theo đó, có 03 loại phụ cấp dành cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, bao gồm:
- Phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kĩ năng nghề cao dạy thực hành.
- Phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy người khuyết tật.
- Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành.
Tùy theo trình độ, đối tượng, loại môn học mà nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng loại phụ cấp nhất định.
Các khoản trợ cấp này được tính hưởng dựa trên số giờ giảng dạy thực tế.
Đồng thời, các khoản này được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Xem chi tiết các mức phụ cấp này tại Nghị định 113/2015/NĐ-CP.
6. Hướng dẫn thủ tục cấp Giấy khám sức khỏe cho người lái xe
Ngày 09/11/2015, Quyết định 4759/QĐ-BYT về công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế được ban hành.
Theo đó, thủ tục cấp giấy khám sức khỏe (KSK) cho người lái xe được thực hiện như sau:
Bước 1: Đối tượng KSK đến cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đủ điều kiện theo quy định, nộp Giấy KSK theo mẫu tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT.
Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình trong phần tiền sử của đối tượng KSK.
Bước 2: Cơ sở KCB đối chiếu ảnh trong giấy KSK với người đến KSK, đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã đối chiếu và hướng dẫn quy trình KSK cho đối tượng KSK theo quy định.
Bước 3: Kết luận và trả Giấy KSK.
Thời hạn trả Giấy KSK là 24 giờ kể từ khi kết thúc KSK với trường hợp KSK đơn lẻ, trừ khi phải khám hay xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người khám, và theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng với trường hợp KSK tập thể theo hợp đồng.
Quyết định 4759/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
7. Sửa đổi quy định riêng áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất
Từ ngày 25/12/2015, quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được thực hiện theo Nghị định 114/2015/NĐ-CP.
Theo đó, quy định riêng này có một số thay đổi như sau:
- Khu chế xuất (KCX), doanh nghiệp chế xuất (DNCX) được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan trừ ưu đãi riêng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu.
DNCX được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- DNCX được cấp Giấy phép kinh doanh mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải:
+ Mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ sản xuất của DNCX.
+ Hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài DNCX, KCX để thực hiện hoạt động này…
Xem chi tiết tại Nghị định 114/2015/NĐ-CP.
8. Hướng dẫn thủ tục đăng ký xe với xe mô tô điện, xe máy điện
Từ ngày 06/12/2015 đến ngày 30/6/2016, thủ tục đăng ký, cấp biển số xe với xe mô tô điện, xe máy điện được thực hiện theo Thông tư 54/2015/TT-BCA.
Cụ thể, hồ sơ, thủ tục đăng ký xe gồm:
- Giấy khai đăng ký xe mô tô điện, xe máy điện (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này).
- Bản photocopy Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp chủ xe là cá nhân), giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức (đối với trường hợp chủ xe là cơ quan, tổ chức).
- Xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân của người đến đăng ký xe, trường hợp chủ xe là cá nhân xuất trình thêm bản chính Sổ hộ khẩu để đối chiếu.
Cơ quan đăng ký xe có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đăng ký theo đúng quy định.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ xe.
Đối với xe không có số máy mà cơ quan đăng ký xe không đóng được số máy thì trong giấy chứng nhận đăng ký xe cấp cho chủ xe ghi từ “không có” vào mục “số máy”.
Xem chi tiết tại Thông tư 54/2015/TT-BCA.
Nguồn: Thư Viện Pháp Luật