Hơn 2 triệu đồng phí thẩm định, 600.000 đồng tiền công chứng, 700.000 đồng phạt trả nợ trước hạn... là những khoản mà anh Mạnh phải thanh toán cho khoản vay 300 triệu đồng nhưng thực tế mới nhận giải ngân 70 triệu.
Anh Mạnh, tại TP HCM cho biết, vợ chồng anh đang xây nhà mới thì phát sinh thiếu hụt tầm 300 triệu đồng. Do cần tiền gấp, lại chưa bán được căn hộ cũ nên đành phải đi vay tạm tại một ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối.
Anh cho biết, lúc tư vấn hồ sơ vay thì nhân viên ngân hàng không giải thích rõ về các khoản phí liên quan đến thẩm định... Sau khi hoàn tất thủ tục rồi thì anh được yêu cầu là phải đóng 2 triệu đồng phí thẩm định tài sản. "Tôi thật sự thấy không hài lòng. Hơn nữa, lúc thu tiền, nhân viên ngân hàng cũng không có bất cứ biên lai gì nên tôi không đồng ý đóng và sau một hồi tranh luận thì họ mới chịu lập cho tôi một tờ biên nhận", anh Mạnh nói.
Ngoài khoản phí thẩm định hai triệu này, anh còn phải đóng 600.000 đồng tiền phí công chứng. "Đang kẹt tiền, khoản vay thì chưa thấy đâu nhưng chi phí bỏ ra sơ sơ đã mất 2,6 triệu đồng", anh bộc bạch.
|
Người vay tiền nên trao đổi các loại phí rõ ràng với nhân viên ngân hàng để không phải khó chịu về sau.
|
Không chỉ khó chịu vì chi phí vay phát sinh cao, vợ chồng anh Mạnh tiếp tục gặp "rắc rối" với khâu giải ngân. Bởi theo quy định, ngân hàng yêu cầu khi nào anh cần thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc sửa nhà thì họ sẽ chi trả thẳng cho đơn vị thi công, hoặc đại lý vật liệu xây dựng.
Nhưng cái khó là anh Mạnh muốn rút tiền mặt vì trả công thợ, hoặc mua vật tư tại các cửa hàng nhỏ không có tài khoản thì lấy đâu mà ngân hàng chuyển cho họ. Vợ chồng anh định sẽ bỏ kế hoạch vay này nếu ngân hàng không "du di". Sau vài lần thương thảo, cuối cùng ngân hàng cũng đồng ý giải ngân tiền mặt cho anh, nhưng với số tiền khiêm tốn vài chục đến dưới 100 triệu đồng mỗi lần, và mỗi lần cách nhau một đến 2 tuần.
Sau khi nhận tiền giải ngân đợt đầu tiên 70 triệu đồng, anh Mạnh thấy quá nhiêu khê, lại đúng lúc bán xong căn hộ chung cư cũ nên quyết định tất toán luôn hợp đồng sau hai tuần nhận được số tiền đầu tiên. Vì trả nợ trước hạn, anh phải chịu thêm khoản phí phạt trả nợ trước hạn 1% trên tổng dư nợ, khoảng 700.000 đồng.
"Như vậy, tính ra chúng tôi vay được 70 triệu đồng trong hai tuần nhưng mất tổng chi phí 3,3 triệu đồng gồm 2 triệu phí thẩm định tài sản, 600.000 đồng tiền công chứng và 700.000 đồng phí phạt trả trước hạn, tức tính ra tương đương gần 5% tổng số tiền vay được", anh bộc bạch.
Trao đổi với VnExpress.net, một Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết, hiện tại ngân hàng ông gần như tiết giảm tối đa các loại phí liên quan đến khoản vay. Trừ phí công chứng (bên văn phòng công chứng thu) thì hiện tại ngân hàng này chỉ còn thu duy nhất phí trả nợ trước hạn. "Các khoản phí liên quan đến thẩm định tài sản đảm bảo và các loại khác chúng tôi đều không thu", ông nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thuộc khối quốc doanh giải thích, vì những khoản vay nhỏ, lại vay trong khoản thời gian ngắn nên chi phí mà ngân hàng bỏ ra để triển khai khoản vay này là tương đương các khoản cho vay lớn nhưng thu lãi thì không được bao nhiêu. Do vậy, một số trường hợp ngân hàng sẽ thu phí để bù đắp chi phí.
Trước vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chia sẻ, khi vay ngân hàng, thông thường khách vay sẽ chịu các khoản phí công chứng, phí đăng ký giao dịch đảm bảo. Ngoài ra, khách hàng đôi khi sẽ chịu thêm phí thẩm định tài sản đảm bảo, mức phí cụ thể tùy vào giá trị tài sản đảm bảo ấy cũng như chính sách của ngân hàng.
Tuy nhiên, ông cho rằng, những khoản phí này cán bộ ngân hàng nên thông báo và thỏa thuận rõ ràng trước với khách thì sẽ tạo ra sự thỏai mái giữa hai bên. "Nhiều trường hợp, khi người vay làm thủ tục xong mới biết thì những khoản này có thể gây ra sự bất ngờ hoặc khó chịu cho người đi vay", ông nói.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thường có phí phạt dao động từ 1-3% trên dư nợ còn lại khi khách hàng trả nợ trước hạn và áp dụng lãi suất từ 1,1 đến 1,5 lần lãi suất trong hạn đối với khoản nợ vay quá hạn. Do đó, người vay và cả phía ngân hàng hãy thương lượng trước tất cả những khoản này để không xảy ra sự tranh chấp về sau.
Lệ Chi