Mỹ lo lắng trước làn sóng mua công ty của Trung Quốc
Ngày đăng: 21/02/2016 11:06

Giới chức Mỹ đang ngày càng cân nhắc nhiều thương vụ thâu tóm từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, số liệu Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Những con số này nằm trong một báo cáo được Bộ Tài chính Mỹ nộp lên Quốc hội, cho thấy quá trình Mỹ xem xét vấn đề an ninh quốc gia của các thương vụ mua bán quốc tế. Báo cáo đầy đủ gần đây nhất là năm 2014, với số thương vụ bị cân nhắc nhiều nhất 6 năm - 147 trường hợp.

Trong đó, có tới 24 là đề xuất từ Trung Quốc, vượt kỷ lục năm 2013. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp nước này dẫn đầu về số thương vụ bị nghi ngờ.  

Báo cáo này càng khẳng định Mỹ rất quan tâm đến rủi ro an ninh từ các thương vụ với Trung Quốc. Thời gian gần đây, người Trung Quốc ngày càng mua nhiều tài sản Mỹ, có khả năng biến 2016 thành năm kỷ lục đầu tư xuyên biên giới của nước này.

my-lo-lang-truoc-lan-song-mua-cong-ty-cua-trung-quoc

Sàn Chứng khoán Chicago có thể về tay Trung Quốc. Ảnh: Atimes

Bắc Kinh đặc biệt hứng thú với mảng sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ, coi đây là một cách phát triển sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Trong thời đại ngày càng có nhiều lo ngại về đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và các vụ tấn công mạng, những đề xuất mua lại gần đây đang làm giới chức Mỹ lo lắng về rủi ro an ninh quốc gia.

Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) gần đây đã phải tăng cường rà soát các thương vụ mà quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ về tay Trung Quốc. Dù cơ quan này có thể kiến nghị Tổng thống Mỹ chặn lại chúng, họ cũng chẳng mấy khi phải động tay làm việc này.

Hồi tháng 1, Royal Philips đã hủy thương vụ bán mảng bóng đèn cho một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc, sau khi nghe cảnh báo từ CFIUS. Các nhận xét của cơ quan này cũng có ảnh hưởng lớn đến nhiều thương vụ tiềm năng hiện tại, khiến Fairchild Semiconductor International tuần này từ chối lời chào mời mua lại từ Trung Quốc. Fairchild cho rằng thương vụ này có quá nhiều rủi ro và CFIUS có thể sẽ không thông qua.

Các thành viên của cơ quan này đến từ Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và An ninh nội địa. Họ có quyền thêm vào vụ giao dịch các điều khoản để hạn chế rủi ro an ninh. Hoạt động của CFIUS luôn được giữ bí mật.

Sau Trung Quốc, các nước mua nhiều tài sản Mỹ nhất là Anh, Canada và Nhật Bản. Số thương vụ bị nghi ngờ năm 2014 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó. Đầu tư vào Mỹ chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất.

Một trong những thương vụ đang được cân nhắc hiện tại là Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (CNCC) hỏi mua Syngenta, Western Digital chào bán 15% cổ phần cho Tsinghua Unisplendour và khả năng Sàn chứng khoán Chicago (CSE) được bán cho Chongqing Casin Enterprise Group.

Hà Thu (theo Bloomberg)