Giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm, lực mua kém khiến nông dân ươm cá giống trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thua lỗ nặng.
Ông Hai Súng, người mỗi năm cho ra thị trường 3-4 tỷ con cá tra bột giống cho biết, chưa năm nào lượng cá giống lại tiêu thụ chậm như năm nay.
“Nếu năm ngoái tôi lỗ 1,1 tỷ đồng thì năm nay con số này có nguy cơ tăng cao. Bởi lẽ, dù là đơn vị cung cấp sản phẩm có uy tín, được thương lái, người nuôi tin tưởng nhưng năm nay lượng hàng tiêu thụ ra thị trường của gia đình giảm hơn so với mọi năm. Đặc biệt, giá thu mua và đặt hàng cá giống giảm mạnh”, ông Hai Súng nói và cho biết, đối với loại 500-800 con một kg giá chưa đến 100 đồng mỗi con, còn loại 200-300 con một kg, giá dao động 180-200 đồng, giảm 100-300 đồng mỗi con so với các tháng trước. Trong khi đó, giá nhân công, chi phí thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Để giảm bớt chi phí, ông thực hiện biện pháp 2 ngày cho cá ăn một lần, nhưng vẫn phải bù lỗ.
|
Cá tra giống ít được thương lái thu mua. Ảnh: MH.
|
“Mặc dù liên tục thua lỗ nhưng đây là nghề đã ngấm vào máu của gia đình tôi rồi. Mặt khác, số cá bố mẹ để gây giống lớn, nếu bỏ nghề cũng không biết bán cho ai và làm gì nên đành tiếp tục chịu cảnh thua lỗ chờ đợi giá sản phẩm tăng trở lại”, ông Hai Súng bộc bạch.
Cũng gặp khó khăn khi giá cá tra giống sụt giảm, thương lái không mua, anh Năm, ngươi nuôi cá trong huyện than thở liên tục chịu lỗ từ cuối năm ngoái đến nay. Do vốn ít nên anh buộc phải thu hẹp diện tích nuôi cá tra và chuyển sang các loại thủy sản khác.
“Gia đình khó khăn, công sức bỏ hết vào ao cá nhưng lỗ tới vài trăm triệu nên tôi đành chuyển đổi mô hình để giảm thiệt hại”, anh Năm nói.
Là giám đốc Hợp tác xã Thuỷ sản Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, đồng thời, cũng là hộ sở hữu 10.000 cá tra bột giống, ông Trương Văn Điền cho biết, cá giống của gia đình ông gần một tháng tuổi nhưng không có thương lái thu mua. Còn tại huyện, có trên 100 hộ đang gặp phải khó khăn này.
“Những năm trước cá giống dễ bán và thương lái đến tận ao để thu mua, nhưng hiện nay dù giá giảm tới một nửa nhưng lại hiếm người hỏi. Đặc biệt, nếu các năm trước người nuôi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đặt hàng với số lượng lớn thì năm nay đơn hàng giảm mạnh”, ông Điền cho biết.
Nguyên nhân, theo ông Điền là do ảnh hưởng của hạn hán cũng như xâm nhập mặn diễn ra thời gian gần đây khiến diện tích nuôi cá tra bị thu hẹp. Mặt khác, tình hình xuất khẩu cá tra thương phẩm trong nước đang bị cạnh tranh gay gắt và khó khăn khi thâm nhập các thị trường khó tính, kéo theo lượng thu mua cá tra giống trở nên èo uột.
Hiện, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 18.000 đến 18.500 đồng một kg đối với cá loại 0,7-0,9 kg một con, giảm 5.000-6.000 đồng mỗi kg. Sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn và các khoản khác, người chăn nuôi lỗ từ 2.000 đến 2.500 đồng một kg.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Thành - Phó trưởng Trạm thủy sản huyện Hồng Ngự xác nhận, người nuôi cá tra giống trong huyện đang gặp khó khăn về đầu mối tiêu thụ do giá cá nguyên liệu và cá giống giảm mạnh. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến người nuôi cá trong vùng gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi cũng đã nắm bắt tình hình và đang tìm hướng giải quyết cho người dân”, ông Thành nói.
Hồng Châu