Chủ tịch nước: "Doanh nghiệp có vẻ sợ cấp trên dữ quá"
Ngày đăng: 05/03/2016 11:10

Trước những vướng mắc gặp phải trong quá trình hội nhập, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các doanh nghiệp cần quyết liệt đấu tranh, tránh cảm giác e dè, sợ sệt.

Thông điệp nêu trên được Chủ tịch nước đưa ra trong buổi làm việc chiều 4/3 giữa Đoàn đại biểu TP HCM với doanh nghiệp trước kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIII. Trước đó, đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều ý kiến, trong đó nổi bật là cảm xúc hào hứng, xen lẫn lo lắng trước bối cảnh hội nhập của nền kinh tế sau các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế ASEAN hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM - Huỳnh Văn Minh, bên cạnh những thuận lợi có thể thấy rõ, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn như quy mô quá nhỏ, manh mún. Hiện cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp thì có đến 500.000 là doanh nghiệp tư nhân, sức cạnh tranh khá yếu so với khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Chỉ riêng tháng 1/2016, cả nước đã có hơn 4.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng gấp 3 lần cùng kỳ.

chu-tich-nuoc-doanh-nghiep-co-ve-so-cap-tren-du-qua

Chủ tịch nước Trường Tấn Sang tại buổi tiếp xúc doanh nghiệp chiều 4/3. Ảnh: Hoàng Triều.

Trước tình hình này, ông Minh cho rằng doanh nghiệp chỉ là chủ thể quyết định vi mô, còn Nhà nước mới là yếu tố quyết định đến sức cạnh tranh vĩ mô của nền kinh tế. Vị này cho rằng Nhà nước phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, tăng giám sát, phản biện, cho tổ chức đại diện doanh nghiệp bỏ phiếu tín nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó có cơ sở góp ý, điều chỉnh... tạo không khí làm việc thân tình và trách nhiệm hơn.

Ông Minh đồng thời khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp không bi quan nhưng chừng nào các cán bộ công chức vừa thiếu tâm, vừa không đủ tầm, không thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp thì chừng đó còn khó khăn. "Đây cũng là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tụt hậu và kinh tế Việt Nam ngày càng chậm phát triển".

Đại diện của ngành cơ khí TP HCM cho rằng, Nhà nước đang đối xử với ngành này không công bằng, cụ thể là ngay trong chính sách thuế. Thời gian qua, ông cho rằng doanh nghiêp cơ khí yếu bởi luôn bị thua thiệt vì các linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu của khối FDI thì được ưu tiên, trong khi doanh nghiệp nội phải chịu thuế. "Do đó, bao năm qua, dù chật vật phát triển nhưng ngành cơ khí của Việt Nam hiện nay gần như là con số 0 bởi sự cạnh tranh với nước ngoài quá khó", ông nói.

Đại diện khối doanh nghiệp công nghệ cao cũng nêu lên bất cập khi doanh nghiệp trong nước nếu mua các máy móc thiết bị để tạo tài sản cố định thì đều phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Dù sau đó vẫn được khấu trừ nhưng lại mất quá nhiều thời gian, chưa kể doanh nghiệp phải vay ngân hàng để đóng tiền thuế này.

"Nhà nước thu vào cũng trả lại cho doanh nghiệp, nhưng chúng tôi thì bị phát sinh chi phí và mất thời gian... Vậy tại sao các trường hợp mua máy móc thiết bị làm tài sản cố định này, Nhà nước không đưa về mức thuế 0%", ông đặt câu hỏi.

Trước những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ đồng cảm và cho biết sẽ ghi nhận tất cả những ý kiến này để trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng chia sẻ, khi Việt Nam ký kết các FTA cũng như TPP, nhiều lời tung hô "thành rồng" đã xuất hiện. "Nhưng tôi cho rằng, muốn thành gì thì trước hết phải có sự hành động. Bởi không có cơ hội gì đến với mình nếu không có sự chuẩn bị gì. Không thể nào ngồi một chỗ để chờ sung rụng vào miệng được", Chủ tịch nhấn mạnh.

Ông Sang cũng trăn trở, trước một bối cảnh hội nhập sâu, cộng với tiêu chí mới, sự chuẩn bị của Việt Nam gần như chẳng có gì trong khi các nước có sự chuẩn bị vô cùng kỹ càng để đón cơ hội. Thực tế thời gian qua, nhiều người thấy vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng nhanh và tỏ ra rất phấn khởi nhưng lại không hiểu rõ bản chất. "Đây thực chất là các doanh nghiệp nước ngoài đang tận dụng cơ hội triệt để nhằm khai thác phần lợi thế mà lẽ ra đó phải là doanh nghiệp Việt Nam được hưởng", ông nói.

Chủ tịch Trường Tấn Sang đánh giá thêm, quá trình đổi mới, cải cách kinh tế nói chung và hệ thống doanh nghiệp nói riêng so với quá trình hội nhập sâu, theo tiêu chí mới, thế hệ mới thì rõ ràng hết sức lúng túng, bị động và cho thấy có một khoảng trống về sự chuẩn bị. "Hiện nay, sự hội nhập sâu với thế giới tạo ra sức cạnh tranh ngày càng gay gắt nên sự chuẩn bị của mình không thể nào hời hợt như trước nữa. Do đó, nếu Việt Nam không có sự chuẩn bị mới thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn thậm chí thụt lùi", ông Sang bày tỏ.

Chủ tịch đồng thời nhấn mạnh, mục tiêu sắp tới của Việt Nam là hội nhập sâu thì phải thắng lợi, "thắng lợi ở ngay sân nhà và thắng lợi trên thị trường thế giới". Đồng thời, ông tái khẳng định nền kinh tế hội nhập sâu nhưng phải độc lập, tự chủ, "Có nghĩa là chúng ta không phải sống một mình, chơi một mình mà nhấn mạnh đến yếu tố phải có lực, có thế trong sân chơi chung ấy", Chủ tịch nước cắt nghĩa.

Ông Sang cũng cho rằng, khi xem những nhà máy sản xuất khoáng sản của Việt Nam thì thấy một loạt nguyên liệu thô đều bán cho Trung Quốc. Thiết bị cũng gần như là xuất xứ từ Trung Quốc nên không thể cho ra những sản phẩm cần thiết để phục vụ cho con đường phát triển kinh tế. Trong vòng 30 năm qua, để phát triển kinh tế, một mặt Việt Nam phát triển nội lực, mặt khác là tận dụng ngoại lực, nhưng giờ là lúc phải kiểm điểm lại tất cả những việc đã làm, đề ra những tiêu chí cao hơn để thích ứng với điều kiện mới.

Cuối cùng, Chủ tịch nước đề nghị, khi có vướng mắc, doanh nghiệp phải đấu tranh quyết liệt đến khi đạt kết quả mới thôi. Lúc đó mới mong những bất cập được gỡ, còn nếu chỉ nói sơ sơ thì sẽ khó có sự thay đổi. "Tôi có cảm giác các doanh nghiệp sợ cấp trên dữ quá, lẽ nào chúng tôi độc đoán chuyên quyền quá chăng", Chủ tịch Trương Tấn Sang chia sẻ và khuyên doanh nghiệp hãy hết sức thẳng thắn và cụ thể hoá những vấn đề mình nêu để Nhà nước đưa ra được những chính sách phù hợp nhất.

Lệ Chi