Jim Rogers: Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới
Ngày đăng: 07/03/2016 08:11

Nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ cho biết cứ mỗi chu kỳ 4-7 năm, nước Mỹ lại phải trải qua tình trạng này.

Jim Rogers là doanh nhân, nhà đầu tư kiêm tác giả sách nổi tiếng của Mỹ. Ông hiện là Chủ tịch Rogers Holdings. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV cuối tuần qua, ông khẳng định khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng một năm tới là 100%.

"7, 8 năm đã qua kể từ đợt suy thoái gần nhất tại Mỹ. Lịch sử cho thấy chúng ta sẽ suy thoái mỗi 4-7 năm, vì bất kỳ lý do gì. Ít nhất thì, chúng ta luôn phải trải qua điều đó. Việc này không nhất thiết phải diễn ra trong khoảng 4-7 năm. Nhưng nhìn khối nợ mà xem, nó đang tăng rất nhanh", ông cho biết.

Phần lớn nhà phân tích tại phố Wall cho rằng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái rất thấp, thường là dưới 33%.

jim-rogers-my-se-suy-thoai-trong-12-thang-toi

Jim Rogers cho rằng Mỹ trải qua suy thoái sau mỗi 4-7 năm. Ảnh: Bloomberg

Rogers không nói rõ việc gì có thể châm ngòi cho quá trình giảm nợ thiếu kiểm soát và suy thoái. Tuy nhiên, ông khẳng định sự yếu kém về kinh tế tại Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực đồng euro có thể gây tác động lan truyền.

Cựu đồng nghiệp của tỷ phú đầu tư George Soros này cho rằng nếu nhà đầu tư chọn đúng số liệu để phân tích, họ sẽ nhận thấy nền kinh tế Mỹ đang xuống dốc.

"Nếu nhìn vào số liệu thuế lương chẳng hạn, anh sẽ thấy nó gần như đứng yên. Đừng quan tâm đến các số liệu của Chính phủ, hãy để mắt đến những con số thực kia kìa", ông kết luận.      

Trong trường hợp biến động kinh tế xảy ra, Rogers cho biết đồng USD sẽ được mua vào nhiều. "Nó có thể biến thành bong bóng. Ý tôi là, nếu các thị trường thế giới sụp đổ, mọi người sẽ đổ tiền vào USD. Bong bóng có thể hình thành từ đây", ông nói.

Đồng đôla mạnh thường gây tác động tiêu cực với giá hàng hóa. Đây là nhóm tài sản Jim Rogers nổi tiếng là chuyên gia. Bên cạnh đó, ông cho rằng dù yên Nhật luôn được coi là tiền tệ phi rủi ro, nó cũng sẽ không giúp ích trong trường hợp nhà đầu tư cần tìm nơi trú ẩn, do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang tích cực nới lỏng.

Hà Thu (theo Bloomberg)