Nước này đang trong giai đoạn chuyển dịch từ "Trung Quốc cũ" sang Trung Quốc mới", nhưng cái giá mà người lao động phải trả cho quá trình này vẫn còn là một ẩn số.
"Tăng trưởng chậm cũng chẳng khác nào suy thoái", cố lãnh đạo Trung Quốc - Đặng Tiểu Bình từng cho biết, "Nếu nền kinh tế đi xuống, hoặc chỉ phát triển rất chậm. Mọi người sẽ so sánh và hỏi tại sao".
Câu nói này rất khớp với tình hình hiện tại của Trung Quốc. Các vấn đề kinh tế sẽ là trọng tâm thảo luận của lãnh đạo nước này khi họp tại Bác Ngao (Hải Nam, Trung Quốc) tuần này.
Đây là cuộc họp hàng năm của giới chính trị và quản lý kinh tế Trung Quốc. Mọi năm, sự kiện được tổ chức ở đảo Hải Nam để tránh cái rét của mùa đông Bắc Kinh. Nhưng năm nay, cái lạnh sẽ bao trùm không chỉ bên ngoài, mà còn cả trong sảnh khách sạn và các phòng hội nghị.
Lần này, các vấn đề họ phải giải quyết là chống tăng trưởng chậm và nguy cơ thất nghiệp hàng loạt. Bắc Kinh tuyên bố họ có thể kiểm soát được quá trình chuyển dịch (từ tăng trưởng dựa vào đầu tư, xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng), và đó cũng chỉ là một phần trong kế hoạch chuyển từ Trung Quốc cũ sang Trung Quốc mới. Nhưng vẫn chưa ai biết cái giá mà lao động nước này phải trả là bao nhiêu.
|
Công nhân trong nhà máy của Alpha Entertainment. Ảnh: BBC
|
Alpha Entertainment được coi là biểu tượng của Trung Quốc mới. Đây là công ty giải trí cho trẻ em lớn nhất Trung Quốc, với vốn hóa gần 5 tỷ USD. Họ tạo ra các nhân vật hoạt hình nổi tiếng với các gia đình nước này, và có tham vọng trở thành Disney châu Á.
Dĩ nhiên, Alpha không chỉ làm hoạt hình. Họ còn kinh doanh quán café, nhà hàng và dự định mở công viên mô phỏng nữa.
Chủ tịch Alpha - Cai Xiadong cho biết ông đang cố gắng hướng dịch vụ tới tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc. "Người Mỹ có chuột Mickey, người Nhật có Ultraman. Vì thế, tôi tin là Trung Quốc cũng sẽ có một đại sứ thương hiệu riêng. Tạo ra thương hiệu đó là giấc mơ của chúng tôi. Nó đã thúc đẩy chúng tôi sáng tạo và tiến lên phía trước", ông nói.
Các văn phòng sản xuất hoạt hình của Alpha tại Quảng Châu có công nghệ rất cao. Và một khu phức hợp như Thung lũng Silicon cũng đang dần hình thành.
Alpha có xuất phát điểm khá nghèo nàn - trong một nhà máy cũ. Đây là nơi ba anh em điều hành Alpha Entertainment kiếm ra khối tài sản đầu tiên, phản ánh quá trình tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc vài thập kỷ qua.
Nhà máy của Alpha được đặt tại Sán Đầu, cách Quảng Châu 5 giờ lái xe. Ở đây, hàng chục công nhân trẻ mặc áo khoác đỏ đang làm việc luôn tay. Ngày 8 tiếng, họ lắp ráp các miếng nhựa màu thành đồ chơi để bán tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới.
Đây chính là cách Trung Quốc giàu lên - bán sản phẩm ra toàn cầu. Tuy nhiên, nước này đang trong giai đoạn chuyển dịch, từ nhà máy lên văn phòng. Quá trình này khá đau đớn, nhưng là điều Chính phủ cho rằng buộc phải diễn ra nếu muốn tăng trưởng bền vững.
Cai đã nhận ra nếu không thể bắt kịp đà thay đổi của kinh tế Trung Quốc, công ty của ông sẽ bị bỏ lại đằng sau. "Trung Quốc đang cải tổ cấu trúc. Những người nhìn thấy cơ hội sẽ phát triển, những người không thể thích nghi sẽ phải rút lui", ông nói.
Và quá trình này đã xảy ra rồi. Các công ty nhà nước của Trung Quốc đang chịu áp lực đóng cửa, khiến lượng lớn người có nguy cơ thất nghiệp.
Bắc Kinh nói rằng thách thức này nằm trong tầm kiểm soát của họ. Trong kỳ họp gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc cho biết khoảng 10 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra năm nay - bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm. Tuy nhiên, nhiều người cho biết nhận định này quá lạc quan.
"Việc này sẽ không dễ dàng đâu", Rob Subbaraman - kinh tế trưởng tại Nomura cho biết, "Cũng như các nền kinh tế đang phát triển khác, Trung Quốc sẽ phải chuyển từ các ngành công nghiệp hiệu suất thấp lên cao dần trong chuỗi giá trị. Với những ngành nặng về lao động, việc tái cấu trúc sẽ có tác động rất lớn".
"Tái cấu trúc" đang là nỗi sợ hãi của rất nhiều lao động nhà máy trên khắp Trung Quốc. Ở nhà máy của Alpha, các công nhân đang hoàn tất công việc của mình khi bắt đầu khâu đóng góp. Một ngày làm việc lại kết thúc.
Cuộc sống trong nhà máy đã giúp hàng triệu công nhân Trung Quốc hoàn thành giấc mơ cho nước này. Nhưng trong giai đoạn chuyển dịch, không phải ai cũng có thể thích nghi. Rất nhiều người sẽ phải tìm cho mình một chỗ đứng khác trong Trung Quốc mới.
Hà Thu (theo BBC)