Kinh tế khó cất cánh vì Nhà nước mải cạnh tranh với doanh nghiệp
Ngày đăng: 01/04/2016 21:18

Hàng loạt ý kiến thúc giục cải cách thể chế được các đại biểu Quốc hội đưa ra với kỳ vọng Nhà nước đảm nhận tốt vai trò kiến tạo, làm bệ đỡ cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tiếp tục đổi mới thể chế, có chính sách đột phá để đưa Việt Nam bứt lên là nội dung được nhiều đại biểu trăn trở khi Quốc hội dành một ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

"Nếu không có chính sách đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế, tận dụng thời cơ hội nhập để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra thì Việt Nam khó mà rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực", đại biểu Thân Đức Nam cảnh báo.

Vị Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng tình với nhiều chỉ tiêu mà báo cáo Chính phủ đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 như tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5-7% một năm, GDP theo đầu người vào năm 2020 đạt 3.200-3.500 USD… vì cho rằng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. "Tuy nhiên, để sau 10 năm, GDP tuyệt đối gấp đôi hiện nay, khoảng 400 tỷ USD vào năm 2025 thì tốc độ tăng bình quân hằng năm phải đạt 7,5%", ông Nam tính toán.

kinh-te-kho-cat-canh-vi-nha-nuoc-mai-canh-tranh-voi-doanh-nghiep

Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng nếu không có chính sách đột phá cho công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam chỉ mãi đi gia công. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Đà Nẵng tin rằng, Việt Nam có khả năng để cụ thế hóa mục tiêu này. "Nếu có thể chế kinh tế tốt thì Việt Nam tăng trưởng khoảng 7,5% mỗi năm không quá khó khăn, nhờ lực lượng doanh nhân trẻ và năng động, dân số đang trong thời kỳ vàng, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nền chính trị ổn định, hội nhập mở rộng thị trường...", ông Nam lạc quan.

Từng là doanh nhân, vị đại biểu này cho rằng một trong những chính sách cần đột phá là phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm chuyển nền kinh tế gia công sang sản xuất. "Đây là yếu tố mang tính sống còn đối với nền kinh tế khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu". Theo phân tích của ông, trong chuỗi giá trị nói trên, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được nhìn nhận dưới 3 công đoạn. Một là nghiên cứu, thiết kế mẫu mã, làm linh - phụ kiện, chi tiết của sản phẩm. Hai là sản xuất, bao gồm gia công, lắp ráp tạo sản phẩm hoàn chỉnh. Cuối cùng là công đoạn phân phối, tổ chức bán hàng.

Trong những bước nêu trên thì công đoạn một có giá trị gia tăng cao nhất, tiếp đến là công đoạn ba, nhưng nền công nghiệp của nước ta chủ yếu ở công đoạn thứ hai. "Nếu không có chính sách để hướng nền kinh tế vào công đoạn một và ba thì Việt Nam chỉ là một công xưởng để gia công cho các tập đoàn đa quốc gia, chứ khó trở thành cứ điểm sản xuất công nghiệp", ông Nam quả quyết.

Tương tự, trong đột phá thể chế, đại biểu Nam dẫn ví dụ về mô hình đầu tư đối tác công tư (PPP) để phân tích. Theo ông, dù đã có nhiều công trình giao thông, cấp nước được thí điểm theo PPP song do các quy định điều chỉnh mới dừng ở mức nghị định nên thiếu an toàn pháp lý cho nhà đầu tư, thiếu tính minh bạch. Do đó, việc luật hóa mô hình này sẽ khiến các nhà đầu tư an tâm hơn và qua đó một dòng chảy vốn tư nhân lớn hơn sẽ được huy động.

"Minh bạch và công bằng là mục tiêu mà công cuộc rà soát cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần hướng tới", chuyên gia Trần Hoàng Ngân bổ sung.

Theo ông Ngân, do tính chất hội nhập sâu rộng nên cạnh tranh giữa các quốc gia hết sức khốc liệt. Các nước cũng đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tốt nhất nên việc thăng hạng. Ở nước ta lại hết sức khó khăn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp nội thiếu cả vốn, yếu công nghệ lẫn nhân lực.

kinh-te-kho-cat-canh-vi-nha-nuoc-mai-canh-tranh-voi-doanh-nghiep-1

Đại biểu Trần Hoàng Ngân trăn trở với câu chuyện ngân sách đi cạnh tranh vốn với doanh nghiệp. Ảnh: Giang Huy

"Tôi ví dụ như trong năm 2015, ngân sách Nhà nước đi vay nợ hơn 430.000 tỷ đồng nhưng hơn một nửa là qua hình thức trái phiếu với đối tượng mua chủ yếu là ngân hàng. Như thế, vô hình trung ngân sách trở thành đối thủ đi cạnh tranh về vốn với doanh nghiệp", ông Ngân dẫn chứng và cho rằng, điều này khiến việc giảm lãi suất ngân hàng lại càng khó khăn.

Cũng từ góc nhìn doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh việc cần phân định rõ vai trò quản lý Nhà nước của các doanh nghiệp Nhà nước và cơ chế thị trường. "Chúng ta không thể để cho doanh nghiệp Nhà nước đứng ngoài thị trường, đứng trên thị trường. Có như vậy mới tạo được một thị trường cạnh tranh bình đẳng và huy động được nội lực của toàn xã hội", ông Bảo nhìn nhận.

Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng chiến lược quốc gia khởi nghiệp để định hướng cho các phong trào doanh nghiệp khởi nghiệp.

"Nói cách khác là Chính phủ phải đảm nhiệm vai trò kiến tạo để phát triển. Bởi nói như Bí thư TP HCM - Đinh La Thăng, người dân, doanh nghiệp mới là những người đóng thuế nuôi bộ máy chứ chính quyền không thể đẻ ra ngân sách. Vậy nên, chính quyền cần bỏ cơ chế xin cho, chuyển bộ máy công quyền sang bộ máy phục vụ dân, doanh nghiệp một cách vô điều kiện", ông Bảo nói.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc thì mong muốn kế hoạch giai đoạn 2016-2020 nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia. Theo đó, nhiệm vụ của nhà nước là xây dựng và thực hiện chương trình hành động để đáp ứng mục tiêu hoàn thiện thể chế theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại.

"Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là phải xác định thật rõ lộ trình và các chỉ tiêu định lượng phải đạt được trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong mối quan tương quan so sánh với các nền kinh tế khác. Không phải chỉ kiểu ta so với ta, hay mẹ hát con khen hay", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Chí Hiếu