|
Bảng điện tử sàn TP HCM chìm trong sắc đỏ. Ảnh: VNDirect.
|
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch sáng 22/5 trong trạng thái rung lắc dữ dội. Vài phút sau đợt xác định giá khớp lệnh, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM rơi thẳng đứng xuống còn 1.004 điểm, tức giảm hơn 10 điểm so với tham chiếu. Tình trạng bán tháo sau đó tiếp tục xuất hiện ở nhóm bất động sản, ngân hàng… và lan rộng toàn thị trường khiến VN-Index liên tiếp lao dốc. Độ rộng thị trường tương đối yếu với 282 mã chìm trong sắc đỏ, trong khi số lượng cổ phiếu tăng điểm chưa đến 100.
Càng về cuối phiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không còn giữ được sự ổn định. Việc không xuất hiện trụ đỡ mới, bên cạnh hàng loạt “ông lớn” như VCB, BID… giảm điểm khiến VN-Index phá mốc 1.000 điểm được thiết lập đầu năm nay.
Kết thúc phiên sáng, chỉ số này giảm hơn 15 điểm (tương đương 1,49%) so với tham chiếu, xuống còn 999,9 điểm. Thanh khoản thị trường yếu khi tổng giá trị khớp lệnh đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.
Tâm lý bi quan kéo dài sang phiên chiều, lực bán của khối ngoại tiếp tục khiến VN-Index chịu áp lực giảm điểm mạnh.
Sàn TP HCM có đến 28 cổ phiếu vốn hóa lớn mất điểm chưa đầy nửa tiếng sau giờ nghỉ trưa, trong đó MSN, HSG, BVH giảm sàn. Cổ phiếu BMP và CTD lội ngược dòng nhưng vẫn không đủ sức cứu thị trường.
14h chiều, VN-Index giảm đến 38 điểm để phá ngưỡng hỗ trợ 980 điểm. Số lượng mã tăng và giảm chênh lệch lớn, lần lượt là 44 và 268 cho thấy trình trạng bán tháo vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đúng với dự báo của nhiều công ty chứng khoán, mốc 1.000 điểm khó trở lại sớm sau khi ngưỡng hỗ trợ quan trọng của VN-Index bị xuyên thủng. Dòng tiền bắt đáy xuất hiện ít ỏi trong những phút cuối phiên giúp tình hình lắng dịu, chỉ số gần như đi ngang với mức giảm dao động 28-29 điểm.
VN-Index đóng cửa tại mức 986,4 điểm, giảm 28,5 điểm so với tham chiếu. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HOSE đạt 5.216 tỷ đồng. Độ rộng thị trường lệch hẳn về bên bán khi có đến 257 mã đi xuống, trong đó 27 mã giảm sàn.
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng dự báo khả năng bán tháo kéo dài và chỉ số có thể lùi về mốc hỗ trợ sâu hơn ở vùng 950-960 điểm khi ngưỡng hỗ trợ quan trọng của VN-Index và quyết định tâm lý của nhiều nhà đầu tư bị thủng. Các mã vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt xu hướng giảm điểm thêm vài phiên tới.
Thị trường vẫn chưa có tín hiệu tạo đáy, nên nhiều đơn vị khuyến cáo nhà đầu tư ngừng tất cả hoạt động mua, chuyển sang bán với mức giá tốt nhất có thể nhằm hạn chế rủi ro.
Sau đợt khủng hoảng năm 2007, chứng khoán Việt Nam ghi nhận mốc 1.000 điểm trở lại trong phiên giao dịch thứ hai của năm 2018.
Một số chuyên gia dự báo, sự hưng phấn của thị trường có thể được duy trì trong trung và dài hạn, đặc biệt khi rủi ro thị trường đang ở mức rất thấp và niềm tin cho đà tăng trưởng tăng cao. Những kịch bản lạc quan được đưa ra cho thấy VN-Index có thể tăng 17-19% so với thời điểm cuối năm 2017 trong điều kiện bình thường, còn nếu tích cực nhất có thể lên đến 67%.
Chốt phiên giao dịch cuối tháng 3, VN-Index tăng hơn 19% so với đầu năm để tiếp tục giữ ngôi đầu thị trường chứng khoán có mức tăng tốt nhất thế giới. Vài ngày sau đó, chỉ số này vượt đỉnh lịch sử 11 năm khi qua ngưỡng 1.200 điểm.
Tuy nhiên, tâm lý thận trọng bao trùm và trở thành xu hướng giao dịch chủ đạo khiến thị trường liên tiếp lao dốc trong các phiên tiếp theo. Đà giảm kéo dài một tháng với nhiều phiên VN-Index mất vài chục điểm khiến chứng khoán Việt Nam tụt xuống vị trí thứ hai trong danh sách những thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới trong vòng nửa năm.
Phương Đông