Chuyện thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và làm sao tạo sự kết nối giữa khối này với doanh nghiệp trong nước một lần nữa được các đại biểu Quốc hội nêu tại thảo luận ở tổ về phát triển kinh tế xã hội ngày 22/5.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, kết quả năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng 7,38% ở quý I nhờ một phần giá trị GDP năm 2017 không cao. Các số liệu của Chính phủ cũng cho thấy trụ cột tăng trưởng chưa thực sự bền vững khi tập trung vào một số ngành, doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn, sản phẩm xuất khẩu cao... khiến nền kinh tế dễ gặp rủi ro.
Đề cập tới doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lãnh đạo Quốc hội nói, không thể phủ nhận sự đóng góp của khối này nhưng tiếc rằng doanh nghiệp ngoại chưa tạo ra hiệu ứng lan toả. "Sẽ tốt hơn nếu kết nối với doanh nghiệp trong nước thành một chuỗi giá trị", bà Kim Ngân nói.
Trong khi đó ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, sau vài chục năm đầu tư vào Việt Nam doanh nghiệp FDI được “mượn” đủ thứ: đất đai, lao động giá rẻ, ưu đãi, môi trường… “Đáng lý sau mấy chục năm họ vào ta, lực lượng ấy, công nghệ ấy, nguồn lực ấy phải được chuyển thành cơ thể của chúng ta, thì đến nay họ vẫn là một thành phần xa lạ. Lúc họ đi ta còn lại được cái gì?”, ông đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh tới lúc cần chính sách khác đi, không thể hy sinh môi trường, dễ dãi trong thu hút với khối FDI.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: ĐBND
|
Cũng theo đại biểu này, lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI được hưởng rất lớn, kể cả Samsung. Tuy nhiên, sự đóng góp của khối ngoại vào ngân sách chưa tương xứng với những ưu đãi mà họ được hưởng.
Đồng tình, TS Trần Hoàng Ngân nói thêm, nguồn lực thu hút FDI thời gian qua nhiều nhưng tính lan toả, chuyển giao công nghệ rất mờ. Với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu doanh nghiệp ngoại chiếm 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước thì khi khối này rút vốn sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam.
“Nguồn lực từ vốn FDI vẫn rất cần cho nền kinh tế, vì thế phải có chiến lược thu hút theo tiêu chí xanh - sạch - chất lượng và lan toả”, ông lưu ý.
Đại biểu TP HCM cũng góp ý, với kim ngạch xuất nhập khẩu hiện gấp 1,9 lần GDP, độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn nên dễ nhạy cảm trước những biến động phức tạp của thế giới. “Chúng ta cần quan tâm tới thị trường trong nước, kiểm soát độ mở nền kinh tế”, ông nói.
Nguyễn Hoài