Bamboo Airways chuyển lịch bay sang cuối quý IV/2018
Ngày đăng: 09/10/2018 09:29

Chưa có giấy phép bay, hãng hàng không mới của đại gia Trịnh Văn Quyết cho biết lịch bay thương mại không diễn ra vào 10/10 như dự kiến mà lùi qua cuối quý IV/2018.

Từng tuyên bố sẽ có chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/10, tới nay Bamboo Airways vẫn chưa được cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung (giấy phép bay).

Hai ngày trước ngày bay thương mại dự kiến, chiều 8/10, hãng hàng không startup của đại gia Trịnh Văn Quyết gửi thông cáo cho biết sẽ lùi lịch khai thác thương mại sang cuối quý IV/2018.

Vẫn chưa có giấy phép bay 

Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết hãng đang trong giai đoạn hoàn thiện giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

"Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cuối cùng để hãng có thể chính thức tham gia vào thị trường hàng không. Song song với quá trình này, các công tác thuê mua máy bay, nhân sự, thương mại, khai thác bay, khai thác mặt đất... đã được tích cực triển khai sâu rộng.

Về cơ bản, mọi công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của hãng dự kiến vào cuối quý IV năm nay cũng đã hoàn tất", ông Thắng nói.

Trong khi đó, Cục Hàng không (Bộ GTVT) chưa có cập nhật nào về tình hình cấp giấy phép bay cho hãng hàng không của tập đoàn FLC. 

Đường cất cánh của Bamboo Airways đang có nhiều trái ngược với Vietjet Air trước kia. Nhận giấy phép bay từ năm 2007 nhưng phải tới năm 2011, Vietjet Air mới có chuyến bay thương mại đầu tiên mang nhiều tính thủ tục để gia hạn giấy phép bay.

Bamboo Airways chuyen lich bay sang cuoi quy IV/2018 hinh anh 1
Gần tới ngày tuyên bố bay thương mại nhưng hãng bay đầy tham vọng của ông Trịnh Văn Quyết vẫn im hơi lặng tiếng. Ảnh: FLC.

Trước đó, Vietjet Air cũng đã có nhiều hoạt động bay thử nghiệm kỹ thuật, thăm dò thị trường và lựa chọn chiến lược kinh doanh.

Với Bamboo Airways, hãng đã gây nhiều bất ngờ khi tuyên bố sẽ có chuyến bay thương mại đầu tiên khi mà thông tin về giấy phép bay còn chưa rõ ràng.

Zing.vn đã liên hệ với cả Bamboo Airways và Cục Hàng không nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ cả hai phía về vấn đề cấp giấy phép bay cũng như quá trình chuẩn bị cho chuyến bay thương mại đầu tiên của Bamboo Airways.

Trước Bamboo Airways, năm 2017, Vietstar Airlines cũng lập hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung để tiến hành bay thương mại vận chuyển hành khách. Tuy nhiên cơ quan chức năng sau đó đã bác hồ sơ của hãng vì Vietstar Airlines không thể đưa ra đủ số vốn đăng ký 700 tỷ đồng để cơ quan chức năng thực hiện phong tỏa. Theo một chuyên gia hàng không người Việt trao đổi với Zing.vn, nhiều khả năng Bamboo Airways cũng đang gặp vấn đề tương tự.

"Kể từ sau thất bại của Indochina Airlines, cơ quan quản lý đã làm chặt hơn trong quá trình cấp giấy phép bay. Hãng bay của ông Hà Hùng Dũng khi đó vỡ nợ, rất nhiều nhân viên bị nợ lương mà không thể đòi được cùng nhiều khoản mà các đối tác về sân bãi, xăng dầu hãng cũng không thể chi trả", chuyên gia này cho hay.

"Để có giấy phép bay, cơ quan chức năng cần phong tỏa khoản vốn đăng ký của doanh nghiệp. Vietstar Airlines trước không có đủ 700 tỷ đồng cho cơ quan chức năng phong tỏa nên không lấy được giấy phép bay. Nhiều khả năng Bamboo Airways cũng đang gặp khó trong việc đưa ra số vốn đăng ký 1.300 tỷ đồng để cơ quan chức năng phong tỏa", ông nói thêm.

Bamboo Airways chuyen lich bay sang cuoi quy IV/2018 hinh anh 2
Bamboo Airways đang gặp nhiều khó khăn để có thể cất cánh đúng ngày 10/10. Ảnh: FLC.

Trường hợp của Vietstar Airlines được nhắc đến là vào năm 2017 khi hãng bay này chỉ đưa ra được 652,7 tỷ đồng. Khi đó doanh nghiệp cho hay nếu được Thủ tướng đồng ý sẽ bổ sung đầy đủ khoản còn thiếu sau 6 tháng nhận giấy phép bay. Tuy nhiên đề nghị trên của Vietstar Airlines đã bị cơ quan chức năng bác bỏ.

Bên cạnh đó, để có thể trở thành một hãng hàng không thực sự có khả năng khai thác tàu bay và cung cấp dịch vụ cho công chúng, Bộ GTVT cho biết Bamboo Airways cần phải có chứng chỉ nhà khai thác máy bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.

Về vấn đề này, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam giám sát chặt chẽ quy trình xin cấp AOC của Công ty Tre Việt cũng như thực hiện đúng quy định của Luật Hàng không dân dụng về các hoạt động xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không.

Cần mẫn xúc tiến với đại lý

Trong khi lỡ hẹn mở bán vé ngày 2/9, gấp gáp thuê máy bay sát ngày lên kế hoạch khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên và im hơi lặng tiếng trong quá trình xin cấp giấy phép bay, việc duy nhất mà Bamboo Airways đang triển khai mạnh lúc này là xúc tiến thương mại với hệ thống đại lý.

Cuối tháng 7 tại khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), FLC đã có sự kiện gặp gỡ và ký kết với các đại lý chiến lược sau khi nhận được sự quan tâm và mong muốn hợp tác của hàng ngàn đại lý, phòng vé cũng như các công ty du lịch, lữ hành trên cả nước.

Bamboo Airways chuyen lich bay sang cuoi quy IV/2018 hinh anh 3
Các hoạt động của hãng gần đây chủ yếu là xúc tiến ký kết với các đại lý. Ảnh: FLC.

Việc xúc tiến thương mại khi chưa có giấy phép bay đã khiến Cục Hàng không phải gửi công văn "tuýt còi" Bamboo Airways. Cụ thể, văn bản của Cục Hàng không Bộ Giao thông Vận tải gửi tới Hãng hàng không Tre Việt có đề cập việc hãng có các biểu hiện của việc xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không khi chưa có giấy phép bay.

Tuy nhiên sau đó vào cuối tháng 8 tại TP.HCM, Bamboo Airways vẫn tiếp tục có một sự kiện lớn để gặp gỡ và cung cấp thông tin về mô hình khai thác, vận hành cùng chính sách ưu đãi cho 500 đại lý lữ hành miền Nam.

Động thái gần nhất để chuẩn bị cất cánh của Bamboo Airways là thuê 3 máy bay từ Công ty cho thuê tàu bay WWTAI AirOpco II DAC. Tuy nhiên 3 chiếc máy bay này đều khá cũ, khoảng 12 năm tuổi và Bamboo Airways chỉ nhận 2 trong 3 chiếc sớm nhất vào tháng 11, chiếc còn lại sẽ được giao vào tháng 1/2019, muộn hơn so với mốc 10/10 mà doanh nghiệp tuyên bố cất cánh.

Nguồn:Zing.vn